Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, yếu kém cần khắc phục đó là: số việc và số tiền chưa thi hành được còn nhiều (đến ngày 30-6-2016 còn tồn 2.536 việc với số tiền 296 tỷ đồng; trong đó số việc liên quan đến tổ chức tín dụng là 61 việc với số tiền 198,4 tỷ đồng, chiếm 67% số tiền còn phải thi hành). Việc xử lý nợ xấu chưa đạt kết quả, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đương sự chưa được bảo đảm theo các quy định của pháp luật.
Để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới, ngày 8/8 Tỉnh ủy đã có công văn số 446- CV/TU về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Theo đó, Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, quy định của Nhà nước về công tác thi hành án dân sự.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đến đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân biết và tự giác chấp hành. Ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy chỉ đạo UBND các cấp tăng cường quản lý Nhà nước về thi hành án dân sự.
Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành án dân sự để tuyên truyền, vận động đương sự và gia đình đương sự tự nguyện thi hành phần nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án, nhất là những vụ việc có số tiền lớn, vụ việc có tính chất phức tạp, những vụ liên quan đến các tổ chức tín dụng.
Tòa án nhân dân tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện đính chính, giải thích các bản án quyết định tuyên chưa rõ hoặc có sai sót. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh, chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân, Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện xác minh, phân loại, tổ chức thi hành án, xét miễn giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước, giúp các đơn vị thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án.
Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự theo quy định và yêu cầu của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp. Các ngành Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng có nhiệm vụ phối hợp theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự để thi hành những vụ việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành mình.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo và tổ chức các đợt thi hành án dân sự cao điểm, xây dựng kế hoạch giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự có số tiền lớn, tính chất phức tạp thuộc thẩm quyền, hoàn thành tốt nhiệm vụ, thi hành vượt các chỉ tiêu về số việc và về giá trị theo quy định. Chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện phối hợp tốt với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bảo hiểm xã hội huyện, các Chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc rà soát các việc phải thi hành; tổ chức thi hành án...
T.D