Để phục vụ công tác xây dựng chính quyền điện tử, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, nhiều sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động của các đơn vị. Hiện nay, 100% đơn vị có mạng nội bộ LAN, tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức toàn tỉnh đạt 95%; tổng số máy chủ tại các cơ quan nhà nước là 62 máy; tổng số máy trạm là 2.228 máy. 100% đơn vị được kết nối Internet băng thông rộng và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng để phục vụ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và chạy các phần mềm nghiệp vụ. Hệ thống mạng truyền dẫn hiện đã kết nối và lắp đặt thiết bị đầu cuối cho tất cả các cơ quan nhà nước trong tỉnh bằng đường truyền cáp quang.
Hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, các cơ quan, đơn vị đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và 145 đơn vị cấp xã trong tỉnh đã thực hiện xong việc chuyển đổi và chính thức đưa phần mềm quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice) vào hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và công tác quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã được liên thông với hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Văn phòng Chính phủ, tiến tới phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương thông qua môi trường mạng. Đến 20/7/2018, trên hệ thống đã có trên 1,4 triệu văn bản được trao đổi, xử lý. Một số cơ quan, đơn vị đã thực hiện có hiệu quả việc chuyển/nhận văn bản trên hệ thống phần mềm với tỷ lệ văn bản đi/đến đạt trên 85%.
Ninh Bình cũng là một trong những địa phương sớm triển khai hệ thống cổng dịch vụ công (một cửa điện tử) cho các cơ quan, đơn vị. Đến nay, sau một năm triển khai thực hiện, hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã được triển khai đồng bộ tại 18 sở, ban, ngành, 8 UBND cấp huyện và đang được triển khai đến 145 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với tổng số 2.283 thủ tục (trong đó, mức độ 1,2: 1.590 thủ tục, mức độ 3: 478 thủ tục, mức độ 4: 215 thủ tục). Việc đưa hệ thống một cửa điện tử vào hoạt động đã phát huy được hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, bước đầu hình thành nhận thức và thói quen ứng dụng CNTT trong thực hiện CCHC, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân khi thực hiện các TTHC với cơ quan nhà nước và nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh. Nếu năm 2016, toàn tỉnh mới có 58 hồ sơ trên hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành thì đến nay, tổng số hồ sơ được tiếp nhận trên hệ thống này của tỉnh là 53.716 hồ sơ.
Thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Kế hoạch số 08 của UBND tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2023, Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Ninh Bình. Theo đó, các doanh nghiệp viễn thông đã và đang tiến hành cung cấp hệ thống phần mềm Cổng dịch vụ công tỉnh Ninh Bình; hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh (VNPT - ioffice); phối hợp cung cấp cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh cho Sở Du lịch; các phần mềm: Du lịch thông minh, quản lý nghiệp vụ HĐND, quản lý khám, chữa bệnh và y tế cơ sở...; hỗ trợ tư vấn xây dựng phương án triển khai Hệ thống hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến xã. Đồng thời, triển khai các phần mềm ứng dụng dưới hình thức cho thuê hoặc cung cấp miễn phí cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh như: Phần mềm tiêm chủng và tin nhắn tiêm chủng cho 145 đơn vị trạm y tế xã; triển khai đường truyền, cung cấp máy tính, phần mềm giám định BHYT cho 145 xã, phường; lắp đặt miễn phí hệ thống camera quan sát cho 68 trường mầm non đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh; triển khai sổ liên lạc điện tử, mạng xã hội học tập cho các trường phổ thông... Các dịch vụ này đã và đang mang lại nhiều tiện ích cho người dân, tổ chức.
Cùng với đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, thời gian qua tỉnh Ninh Bình cũng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng về CNTT cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh đã phối hợp với Cục An toàn thông tin tổ chức 2 lớp bảo đảm an toàn thông tin trong phát triển Chính phủ điện tử; 2 lớp đào tạo chuẩn kỹ năng ứng dụng CNTT cơ bản và 1 lớp bồi dưỡng quản trị mạng, quản trị hệ thống thông tin phục vụ công việc. Vì vậy, chất lượng nguồn nhân lực về CNTT từng bước được nâng lên. Các cơ quan, đơn vị đã bố trí được 1 cán bộ chuyên trách về CNTT của đơn vị, đưa tổng số cán bộ chuyên trách về CNTT của tỉnh là 92 người. Trong đó, 75 người có trình độ đại học trở lên (chiếm 81,5%).
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính (SIPAS), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Mai Lan