Trường THCS Ninh Sơn là một trong hai trường khối THCS trên địa bàn thành phố Ninh Bình tiên phong triển khai dạy học chương trình mới cho học sinh khối 6, 7, 8 qua phần mềm zoom. Đồng chí Trần Thị Chung Thủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để đảm bảo kiến thức trong quá trình cho học sinh nghỉ học ở nhà, giai đoạn đầu, Ban giám hiệu thường xuyên chỉ đạo giáo viên bộ môn hướng dẫn học sinh học ở nhà thông qua các hình thức giao bài tập qua zalo, facebook. Đến giai đoạn 2, khi nghỉ học dài ngày, nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy chương trình mới, tổ chức cho toàn bộ học sinh nhà trường tham gia học trực tuyến qua phần mềm zoom vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 7, mỗi lớp thực hiện 2 tiết/tối.
Trong quá trình học, giáo viên yêu cầu học sinh đổi tên phần mềm theo tên của mình để quản lý. Giáo viên bộ môn khi giảng dạy lớp đó có thể kiểm soát được số lượng học sinh tham gia lớp học qua kiểm soát số lượng tài khoản tham gia trong phần mềm zoom để điểm danh, báo cáo số lượng các tiết học với Ban giám hiệu. Đồng thời, Ban giám hiệu tham gia dự giờ các lớp học, kiểm soát được giáo viên dạy trong tuần, tình hình lớp học, kiến thức bài giảng. Nhà trường hiện có 570 học sinh/14 lớp. Trong đó có 110 học sinh lớp 9 học qua truyền hình và lớp học qua phần mềm zoom; còn lại học sinh các lớp 6, 7, 8 học vào các tối, qua phần mềm zoom theo chương trình chính khóa và các môn học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giảm tải. Kết quả học tập qua phần mềm zoom đảm bảo nội dung kiến thức quy định trong khung chương trình, học sinh tham gia lớp học đầy đủ.
Đối với Trường THPT Gia Viễn A, hình thức học tập được nhà trường triển khai đa dạng với các nhóm dạy học trên phần mềm 789, zoom, nhóm zalo, facebook, youtube, trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình… đã tạo sự hào hứng trong học tập của học sinh. Thầy giáo Lê Thành Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để làm tốt việc dạy học trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, nhà trường đã xây dựng kế hoạch học trực tuyến, hướng dẫn thầy, cô cài đặt phần mềm, vận động phụ huynh học sinh mua sắm trang thiết bị, sử dụng các trang thiết bị hiện có của gia đình học sinh để phối hợp với các thầy, cô cho các em học trực tuyến. Cùng với đó, nhà trường tăng cường quản lý học sinh học qua CNTT. Tổ chức lập nhóm zalo giữa thầy cô và phụ huynh học sinh để giám sát việc học của học sinh. Hiện nay, Trường có 1.116 học sinh/30 lớp, với 100% học sinh sử dụng phần mềm 7,8,9, tiến hành kiểm tra theo đúng văn bản chỉ đạo của ngành Giáo dục và Đào tạo. Kết quả ứng dụng CNTT dạy học tại Trường đang rất khả thi, mang lại hiệu quả tích cực.
Nhà giáo Đỗ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thực hiện phương châm của Bộ Giáo dục và Đào tạo "tạm dừng đến trường, không dừng học", Bộ đã công bố tinh giản chương trình học kỳ II và hướng dẫn dạy/học qua Internet, trên truyền hình. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện việc hướng dẫn học sinh lớp 9 và lớp 12 tham gia học từ xa trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình. Đối với các khối lớp còn lại tăng cường tổ chức dạy học qua Internet. Đây là hình thức dạy học trong đó giáo viên sử dụng các ứng dụng hoặc dịch vụ của Internet để tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, bao gồm: Dạy học thông qua hệ thống quản lý học tập (LMS); Dạy học thông qua hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS); dạy học thông qua các hệ thống dạy học trực tuyến.
Để việc dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập qua Internet, nhất là tổ chức dạy học qua các hệ thống dạy học trực tuyến đảm bảo chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục chuẩn bị đầy đủ các điều kiện: Về hạ tầng kỹ thuật, các đơn vị có thể tích hợp hệ thống dạy học trực tuyến với hệ thống quản lý học tập, đảm bảo để tổ chức và quản lý việc dạy, học qua Internet của học sinh và giáo viên. Về bài học, học liệu được xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông, đảm bảo tính khoa học, sư phạm, phù hợp với đối tượng học sinh theo từng cấp học. Được tổ chuyên môn, Ban giám hiệu/Giám đốc góp ý, duyệt trước khi đưa vào sử dụng. Giáo viên giảng dạy cần có kỹ năng xây dựng và lựa chọn học liệu; biết cách sử dụng công cụ hoặc dịch vụ CNTT để tổ chức dạy học qua Internet; tổ chức các hoạt động cho học sinh bao gồm thực hiện nhiệm vụ học tập, trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau, giữa học sinh với giáo viên; kiểm tra đánh giá mức độ nắm vững kiến thức đã học qua Internet khi học sinh đi học trở lại; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình. Học sinh được hướng dẫn kỹ năng sử dụng ứng dụng và dịch vụ CNTT trên Internet trước khi tham gia bài học. Thực hiện đầy đủ các hoạt động học tập theo yêu cầu của giáo viên; hoàn thành và nộp sản phẩm học tập để được kiểm tra, đánh giá.
Cũng theo Nhà giáo Đỗ Văn Thông, việc triển khai hệ thống dạy học trực tuyến hiện nay phù hợp với khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh và điều kiện, tình hình thực tế của địa phương. Đối với học sinh lớp 9, từ 16/3 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức phát sóng trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình 9 bộ môn với 26 tiết học/tuần. Đối với học sinh lớp 12, từ ngày 30/3, học sinh được học trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình 9 môn, với thời lượng 24 tiết/tuần. Đối với các lớp còn lại, các nhà trường đều đã chọn các hình thức học trực tuyến phù hợp nên nền tảng CNTT, phù hợp với đối tượng học sinh.
Hồng Vân