Việc triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có sự phối hợp chặt chẽ, rộng khắp giữa các sở, ngành, thành viên, cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp.
Nội dung tuyên truyền được chọn lọc, có trọng tâm, không dàn trải; cách thức tuyên truyền được kết hợp linh hoạt, phù hợp với đối tượng được tuyên truyền; việc tuyên truyền dưới hình thức giao lưu - đối thoại; hỏi đáp - trao quà, phát tài liệu tới tận tay người lao động được áp dụng tại nhiều doanh nghiệp mang lại hiệu quả cao.
Từ đó, người lao động đã nắm được các chính sách, pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách, quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân khi tham gia quan hệ lao động. Người sử dụng lao động thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động, giảm thiểu việc vi phạm trong quá trình thực hiện pháp luật lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, tồn tại đó là: Việc tuyên truyền, phổ biến một số nội dung quy định của pháp luật có thời điểm chưa kịp thời, đồng bộ, rộng khắp.
Một số chủ sử dụng lao động do không muốn làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nên chưa tạo điều kiện để các ngành chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền hoặc có tổ chức nhưng thời gian hạn chế nên nội dung thông tin không đầy đủ, hiệu quả không cao.
Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động, do vậy những năm qua tình trạng tranh chấp lao động và đình công bất hợp pháp vẫn còn xảy ra.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều chủ doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động mà chủ yếu chú trọng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Người lao động tại các doanh nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông nên nhận thức còn hạn chế, tác phong lao động, ý thức chấp hành nội quy lao động chưa nghiêm.
Một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động cố tình trốn tránh không thực hiện các quyền lợi cho người lao động với mục đích giảm bớt chi phí...
Trước thực tế trên để thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến người lao động và người sử dụng lao động, các cơ quan quản lý nhà nước và ngành chức năng có liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đến người lao động, có cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách với người lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật lao động; xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm; khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp tích cực tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động.
Đối với chủ sử dụng lao động chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật lao động, thông báo công khai các quyền lợi được hưởng của người lao động khi vào làm việc tại doanh nghiệp. Phối hợp, tạo điều kiện cho các cấp, các ngành tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp; công đoàn cấp trên cơ sở vận động người lao động tham gia tổ chức công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở để hạn chế xảy ra tranh chấp lao động. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thiết lập mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.
Tích cực tuyên truyền, phổ biến cho người lao động, chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của doanh nghiệp; tích cực học hỏi, nâng cao trình độ nghiệp vụ, tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc, có ý thức bảo vệ của công, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Trần Dũng