Hầu hết các đám cưới được đơn giản hóa về thủ tục, tổ chức trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và điều kiện kinh tế của gia đình. Các hủ tục lạc hậu trong việc tang cơ bản đã được loại bỏ như: không để linh cữu tại nhà quá 48 giờ; không cử nhạc tang quá giờ quy định. Việc quy hoạch, quản lý và đầu tư nâng cấp, chỉnh trang nghĩa trang được quan tâm đầu tư. Việc chôn cất tại nghĩa trang được thực hiện theo đúng quy định…
Các cấp, các ngành phối hợp với ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội quản lý, hướng dẫn và tổ chức hoạt động của các lễ hội truyền thống đảm bảo đúng nghi lễ, hình thức phù hợp, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội ở một số nơi vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Trong việc cưới còn mời nhiều khách, kéo dài ngày và tổ chức ăn uống linh đình. Khi tổ chức cưới còn tình trạng mở loa đài công suất lớn, quá giờ quy định, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư. Tình trạng dựng rạp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tràn lan làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân, gây cản trở giao thông.
Một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu, tổ chức đám cưới còn mời khách tràn lan, tổ chức ăn uống nhiều ngày, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Đối với việc tang, thời gian phúng viếng ở một số đám tang còn kéo dài, việc rải tiền, rải vàng mã trên đường đưa tang gây lãng phí và ô nhiễm môi trường vẫn thường xuyên xảy ra… Việc tổ chức lễ hội ở một số nơi còn xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như mê tín dị đoan, xâm phạm cảnh quan môi trường, thương mại hóa lễ hội...
Trước thực tế trên, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, UBND tỉnh đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền về những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của tỉnh về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Kịp thời biểu dương những cá nhân, tập thể thực hiện tốt, đồng thời phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong việc gương mẫu chấp hành các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, an toàn giao thông, bài trừ mê tín dị đoan, những hủ tục lạc hậu khi thực hiện việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội.
Tổ chức lễ cưới trang trọng, vui tươi, lành mạnh; lễ tang chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với thực hiện hương ước, quy ước và công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa...
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng, gương mẫu thực hiện quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Lồng ghép nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào các cuộc vận động, các phong trào do tổ chức mình phát động, tổ chức.
Cùng với việc chỉ đạo công tác tuyên truyền các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình ở khu dân cư về tổ chức cưới hỏi, tang lễ văn minh, tiết kiệm. Quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn theo thẩm quyền đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Trần Mạnh Dũng