Thực tế cho thấy, số lượng và mức độ nghiêm trọng của các vụ TNLĐ sẽ được hạn chế đáng kể nếu người lao động và chủ sử dụng lao động tuân thủ đúng các quy định, yêu cầu về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Do đó, việc thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về ATVSLĐ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước thực tế đó, Thanh tra Sở Lao động, thương binh và xã hội cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan đã tổ chức triển khai hiệu quả công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các chính sách pháp luật về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Trần Xuân Trường, Chánh Thanh tra Sở LĐ,TB&XH tỉnh cho biết: Năm 2011 và năm 2012, Thanh tra Sở đã phối hợp với các ngành có liên quan tiến hành 2 cuộc thanh tra, 5 cuộc kiểm tra tại 75 doanh nghiệp, trong đó có 33 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khai thác khoáng sản; triển khai phát Phiếu tự kiểm tra về việc chấp hành các quy định của Pháp luật Lao động tại các doanh nghiệp theo Quyết định số 02/2006/QĐ-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH tới 200 doanh nghiệp; tham gia, tiến hành điều tra 10 vụ TNLĐ chết người xảy ra trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra và phát Phiếu tự kiểm tra đã ban hành 554 kiến nghị, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện.
Năm 2011, Thanh tra Sở LĐ,TB&XH đã xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với 9 doanh nghiệp với tổng số tiền xử phạt gần 200 triệu đồng. Năm 2012, qua thanh tra đã xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền 3 doanh nghiệp với tổng số tiền 85 triệu đồng, xử lý bằng hình thức cảnh cáo đối với 8 doanh nghiệp. Cũng trong năm 2012, Thanh tra Sở đã ra quyết định tạm đình chỉ sản xuất đối với 5 doanh nghiệp do không đảm bảo các điều kiện ATVSLĐ, yêu cầu các đơn vị thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ thì mới cho phép tiếp tục tiến hành thi công, sản xuất.
Hiệu quả của các cuộc thanh tra, kiểm tra đã góp phần tích cực trong việc phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật lao động, trong đó có các quy định về ATVSLĐ để xử lý, uốn nắn, khắc phục; đồng thời cũng kịp thời phát hiện ra những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý nhà nước để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra còn là dịp các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về lao động đến đối tượng người lao động và chủ sử dụng lao động…
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được đáng khích lệ, công tác thanh tra, kiểm tra chính sách pháp luật lao động nói chung và VSATLĐ nói riêng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn. Tình hình TNLĐ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình những năm gần đây vẫn diễn ra theo chiều hướng phức tạp. Trong 7 năm (2006-2012) xảy ra 48 vụ chết người với 56 người chết và 18 người bị thương nặng. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết và bị thương 10 người. Các vụ tai nạn thường tập trung xảy ra trong các ngành nghề có nguy cơ mất an toàn lao động cao như xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất xi măng….
Nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng lao động và người lao động không thực hiện đầy đủ các quy định ATVSLĐ. Các doanh nghiệp hầu hết mới được thành lập, lại phải tiết giảm chi phí sản xuất để đối phó với tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên công tác ATLĐ chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Ở nhiều đơn vị, tình trạng vi phạm pháp luật lao động, các tiêu chuẩn ATVSLĐ còn diễn ra khá phổ biến, điều kiện, môi trường làm việc của người lao động chậm được cải thiện, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất cá thể, các làng nghề.
Một số chế độ chính sách về BHLĐ đối với người lao động bị vi phạm nhiều, việc đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động còn mang tính hình thức, để đối phó khi có đoàn kiểm tra đến. Đáng lưu ý, người lao động hầu hết là lao động phổ thông, được thuê mướn theo thời vụ nên ý thức chấp hành nội quy ATVSLĐ còn rất thấp. Mặt khác, hệ thống văn bản dưới luật chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập và chưa sát với thực tế cũng là nguyên nhân làm cho hiệu quả công tác thanh, kiểm tra ATVSLĐ chưa đạt được kết quả như mong đợi. Một số hành vi vi phạm các quy định về ATVSLĐ nhưng lại được quy định tại nhiều văn bản của nhiều ngành khác nhau dẫn đến chồng chéo, khó xử lý. Chế tài xử lý các hành vi vi phạm đối với các quy định về ATVSLĐ còn thiếu về nộidung và nhẹ về trách nhiệm đối với người vi phạm nên chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm…
Để công tác thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao hơn, theo đồng chí Chánh thanh tra Sở LĐ, TB&XH tỉnh, các cơ quan chức năng, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật, tập huấn nghiệp vụ đến 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn về công tác ATVSLĐ. Thanh tra nhà nước việc chấp hành pháp luật lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ - PCCN, bố trí người có chuyên môn sâu, được bồi dưỡng nghiệp vụ, có kinh nghiệm thực tiễn.
Đối với các doanh nghiệp, cần nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, vì đó là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người lao động, đến an toàn của doanh nghiệp. Kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác ATVSLĐ, phân công rõ chức năng, nhiệm vụ của từng người, từng bộ phận, xây dựng, ban hành quy chế lao động. Nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp, hàng năm, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động cùng với kế hoạch sản xuất kinh doanh, cuối năm có tổ chức tổng kết đánh giá việc thực hiện kế hoạch và xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo.
Để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, người sử dụng lao động, người quản lý công tác ATVSLĐ cần phải nghiên cứu đầy đủ và chấp hành nghiêm các văn bản pháp luật quy định về ATVSLĐ. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn về ATVSLĐ, về quyền và nghĩa vụ của người lao động, về nội quy an toàn, quy trình, quy phạm kỹ thuật ATLĐ. Tăng cường các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra lao động, nhất là nghiệp vụ trong công tác ATVSLĐ….
Mỹ Hạnh