Gắn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết T.W 4 (khóa XI) và Nghị quyết TW 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng...
Qua đó, đã góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, chính quyền và các đoàn thể vững mạnh, tăng cường niềm tin trong các tầng lớp nhân dân, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, khéo léo và cương quyết, lấy phòng ngừa là chính đồng thời thực hiện nghiêm công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Lấy kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là thước đo đánh giá phẩm chất năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Để làm tốt nhiệm vụ quan trọng này, trước hết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chú trọng tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiên, kết quả kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy.
Đồng thời cũng khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thiếu chính xác, mang tính kích động, quy kết tội danh gây hoang mang trong dư luận. Kiên quyết đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng phòng, chống tham nhũng, lãng phí để chống phá Đảng, Nhà nước, xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu...
Tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín. Phát hiện, giải quyết sớm, ngăn chặn từ đầu sai phạm, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ phụ trách các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, cán bộ có dấu hiệu vi phạm, cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Đối với người vi phạm phải xử lý kịp thời nghiêm minh, công khai.
Kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu sai phạm đến mức phải xem xét. Cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên phải nhận rõ, đấu tranh quyết liệt với việc làm sai trái, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai, xử lý kịp thời việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ.
Thực hiện có hiệu quả chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo cấp tỉnh không phải là người địa phương.
Thực hiện sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, gắn với chế độ cải cách công vụ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa XII). Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.
Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích cán bộ, nhân dân phát hiện, phản ánh, tố giác các hành vi tham nhũng lãng phí, tạo sự chuyển biến tích cực từ địa phương, cơ sở. áp dụng các biện pháp thu hồi triệt để tài sản tham nhũng.
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát quyền lực với nguyên tắc mọi quan hệ đều phải được kiểm soát chặt chẽ, có ràng buộc trách nhiệm, quyền hạn.
Quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn. Ngăn ngừa những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan dân cử, cơ quan truyền thông, cơ quan phòng, chống tham nhũng, lãng phí giúp việc của cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở...
Nguyễn Kim