Bên cạnh công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), an toàn cho du khách, mùa lễ hội năm nay, huyện Gia Viễn đã xây dựng kế hoạch nhằm quyết tâm xây dựng hình ảnh một mùa lễ hội an toàn, vui tươi và văn minh, góp phần tạo dựng những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách gần xa. Ông Bùi Thanh Nghị, chủ nhà hàng Hữu Nghị, thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư cho biết: Vào mùa lễ hội, đặc biệt vào các ngày thứ 7, chủ nhật, nhà hàng có khá đông khách du lịch đến ăn uống, mỗi ngày phục vụ hàng trăm lượt khách ăn. Để giữ uy tín cho nhà hàng và đảm bảo an toàn cho khách, nhà hàng không tăng giá các món ăn, đồng thời tính toán để có lượng thực phẩm tươi, an toàn. Theo đó, nhà hàng ký hợp đồng với những cơ sở giết mổ được chứng nhận đảm bảo ATTP, ký kết mua rau xanh ở những hộ dân chuyên trồng để đảm bảo vệ sinh; đặc biệt quan tâm đến quy trình chế biến đảm bảo sạch sẽ, an toàn, được khách hàng tin tưởng, giới thiệu cho bạn bè, người thân và quay lại khi có dịp tham quan Ninh Bình.
Theo ông Phạm Ngọc Anh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường huyện Gia Viễn, trước đây, vào cao điểm mùa lễ hội vẫn còn những bức xúc của người dân, du khách hành hương phản ánh về tình trạng các loại hình dịch vụ ăn theo mùa lễ hội, như giá vé gửi xe, hàng tạp hóa, ăn uống… thường bán cao hơn giá niêm yết, có biểu hiện tăng giá, "chặt chém" du khách. Năm nay, để chấn chỉnh tình trạng này trong mùa lễ hội, các ngành chức năng của tỉnh và UBND huyện Gia Viễn đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động thương mại, dịch vụ phục vụ người dân và du khách trong thời gian diễn ra lễ hội. Trong đó đặc biệt quan tâm đến việc kinh doanh dịch vụ, giá cả các nhà hàng ăn uống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bán đúng giá niêm yết…
Hiện nay, trên địa bàn huyện Gia Viễn có gần 90 nhà hàng, quán ăn, nhà nghỉ… Ngay từ đầu năm, Đội quản lý thị trường huyện đã tập trung tuyên truyền các cơ sở kinh doanh dịch vụ ký cam kết thực hiện bán đúng giá niêm yết, nguồn gốc thực phẩm chế biến thức ăn phải rõ ràng, đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, đối với các quán hàng, kinh doanh đồ lưu niệm khu vực trong và ngoài chùa Bái Đính phải ký cam kết thực hiện nghiêm quy định của Ban quản lý chùa và các ngành chức năng về vị trí bày bán, chất lượng và giá cả các loại hàng hóa. Từ đầu năm đến nay, Đội quản lý thị trường huyện đã kiểm tra hàng chục quán ăn, nhà hàng, phát hiện 5 vụ vi phạm các lỗi về không đảm bảo điều kiện chế biến thực phẩm, bán không đúng giá niêm yết, Đội đã xử lý nhắc nhở và yêu cầu không tái phạm.
Ông Bùi Văn Quý, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 600 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó tập trung ở thành phố Ninh Bình với trên 100 cơ sở, huyện Hoa Lư trên 70 cơ sở, huyện Gia Viễn có gần 90 cơ sở... Để đảm bảo quản lý chặt chẽ về giá các loại hình kinh doanh, dịch vụ mùa lễ hội, ngay từ đầu năm, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các Đội quản lý thị trường các huyện, thành phố phối hợp với các ngành chức năng, địa phương nơi diễn ra các hoạt động lễ hội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Nhà nước về hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại đến các hộ kinh doanh và yêu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ký cam kết không tăng giá bán so với ngày thường, niêm yết giá công khai. Đồng thời tiến hành kiểm tra đột xuất việc tuân thủ các quy định của Nhà nước về quản lý giá như: niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không tăng giá nếu không có lý do chính đáng. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm triển khai quyết liệt các kế hoạch nhằm chủ động phòng tránh các vụ ngộ độc thực phẩm, nhất là các loại thức ăn đường phố diễn ra trong dịp lễ hội.…
Nhờ quyết liệt thực hiện các biện pháp nên đến thời điểm này, tình hình thị trường, giá cả tại các lễ hội đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh luôn được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo ổn định. Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm số 2 của tỉnh do Chi cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì đã tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh ăn uống... trên địa bàn huyện Hoa Lư, Gia Viễn và Nho Quan. Đoàn đã kiểm tra hàng chục cơ sở, xử lý 5 cơ sở, phạt tiền gần 30 triệu đồng, buộc tiêu hủy tại chỗ 50 kg thịt dê các loại không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thời gian tới, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, các lực lượng chức năng tăng cường tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các khu, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn... kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, các hành vi vi phạm về sản xuất, các hành vi gian lận thương mại… Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh đúng quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch, góp phần đưa ngành du lịch Ninh Bình phát triển bền vững.
Hạnh Chi