Ở thành phố Ninh Bình nhân Tháng an toàn giao thông năm nay, với chủ đề "Tháng văn hóa giao thông" thành phố đã mở đợt cao điểm lập lại trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, các cấp, các ngành đã vào cuộc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân không lấn chiếm lòng, lề đường kinh doanh, buôn bán, do đó người nhân dân đã tự tháo dỡ hàng loạt các loại mái che, mái vẩy trên các đường phố, nhiều hộ đã ký cam kết không bán hàng ăn lấn chiếm vỉa hè, không che ô, bạt để kinh doanh.
Tuy vậy, hiện nay, tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lấn chiếm lòng đường làm nơi buôn bán vẫn xảy ra làm mất mỹ quan đô thị, gây ách tắc, cản trở giao thông và mất vệ sinh môi trường.
Ở các huyện Hoa Lư, Yên Khánh, thị xã Tam Điệp… việc họp chợ, trông xe đạp, xe máy và tình trạng kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng đường vẫn thường xuyên diễn ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông, gây bức xúc trong các tầng lớp nhân dân.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ, cùng với việc phối hợp của các lực lượng trong việc tăng cường cưỡng chế, giải tỏa các vi phạm của các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị cần tăng cường quản lý, không để tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tái diễn sau giải tỏa.
Sau khi giải tỏa, cần giao cho các khu phố quản lý. Mỗi khu phố, thôn, xóm cần có quy định riêng đưa vào làm tiêu chí để bình xét danh hiệu gia đình văn hóa. Ngoài ra, các địa phương, các ngành chức năng cần có chế tài mạnh hơn để kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.
Bài, ảnh: Trần Dũng