Nhiều vi phạm trong khai thác
Hiện nay, Ninh Bình có trên 500 phương tiện khai thác thủy sản trên các vùng biển và sông lớn. Trong đó, các phương tiện hoạt động khai thác trên sông và vùng nội đồng có khoảng 400 chiếc, đa phần không lắp máy. Riêng số lượng tàu cá hoạt động trên biển có 94 tàu, chủ yếu hoạt động vùng biển ven bờ có chiều dài dưới 12 m làm nghề cáo giắt, bẫy rập, lưới rê, đăng đáy; có 5 tàu cá có chiều dài trên 15 m làm nghề lưới rê đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ hoạt động ở vùng biển xa.
Nhìn chung ngư dân Ninh Bình có truyền thống, kinh nghiệm đánh bắt thủy, hải sản; đa phần bà con đã tuân thủ nghiêm những quy định trong lĩnh vực khai thác của Luật Thủy sản. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là nguồn lợi thủy, hải sản của chúng ta vẫn đang ngày một suy giảm. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Trước hết là do nhận thức của người dân về bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa cao. Tình trạng sử dụng các nghề, ngư cụ có tính tận diệt nguồn lợi, như chất nổ, xung điện, lưới kéo, lưới kéo đôi (giã cào bay), đánh bắt cá con, cá trong thời kỳ sinh sản; đánh bắt ở vùng biển ven bờ, thủy vực nội đồng, trong các khu bảo tồn biển vẫn tiếp diễn. Đi qua những vùng đồng trũng hoặc dọc bờ sông tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh hiện nay, không khó để bắt gặp cảnh người dân sử dụng kích điện để bắt cá.
Với cách đánh bắt này, tất cả các sinh vật ở dưới nước nằm trong tầm bán kính từ 2-10m có khi tới vài chục mét đều bị hủy diệt. Những thủy sản bị nhiễm điện còn sống sót sẽ không phát triển được và mất luôn khả năng sinh sản, trứng và ấu trùng cũng bị hủy diệt hoàn toàn. Chính vì vậy, nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh đang bị đe dọa nghiêm trọng, làm mất cân bằng sinh thái thủy sinh.
Đại diện Chi cục Thủy sản cũng thừa nhận: "Thực trạng sử dụng xung điện, kích điện, chất nổ để khai thác thủy sản diễn ra ngày càng phức tạp trên cả 2 vùng nước mặn, lợ và nội đồng". Nhức nhối là vậy nhưng thực tế, công tác phối hợp giữa các địa phương, các ngành, các cấp về việc nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác có lúc có nơi chưa kịp thời, chặt chẽ.
Việc thanh kiểm tra, truy quét các đối tượng vi phạm chưa rộng khắp, nhất là trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, sông suối nhỏ. Một số địa phương chưa quan tâm đến công tác bảo vệ, bảo tồn cũng như phát triển kinh tế chưa đi đôi với bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chưa kiểm soát được cường lực khai thác phù hợp với nguồn lợi. Thiếu chính sách chuyển đổi nghề khai thác xâm hại nguồn lợi sang các nghề thân thiện với môi trường và thực hiện quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản…
Theo điều tra của Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT: Hiện, nguồn lợi thủy sản chỉ còn ở mức trung bình và đang có chiều hướng giảm dần. Đặc biệt, một số đối tượng, giống loài thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao đang suy giảm nghiêm trọng như: cá quả, cá chép Việt, cá chày mắt đỏ, cá Trầu tiến vua, cá rô tổng trường, cá bống đen, cá bò vàng…
Cần mạnh tay xử lý theo quy định
Đến nay, những quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi hải sản đã được Nhà nước ban hành khá đầy đủ và chặt chẽ. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2019, Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực, xác định rõ vấn đề bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản là lâu dài và trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội. ở Ninh Bình, thời gian qua, chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh liên tục đưa ra các giải pháp đồng bộ, tăng cường công tác quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.
Theo đó, huy động sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp từ tỉnh tới xã, phường kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản, trong đó các lực lượng như Chi cục thủy sản, Biên phòng, Công an làm nòng cốt. Đã có hàng nghìn phương tiện khai thác thủy sản được các lực lượng này kiểm tra, qua đó phát hiện và xử lý 146 trường hợp vi phạm, xử phạt tiền gần 136 triệu đồng.
Cùng với việc mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm trong khai thác, công tác thả giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Từ năm 2016 đến năm 2020, đã tiến hành thả hơn 27 nghìn con cá chép Việt, 10 nghìn con cá chày mắt đỏ, 5 nghìn con cá trôi và 8.500 con cá bống bớp xuống các vùng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh, qua đó khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, lập lại cân bằng sinh thái. Bên cạnh đó, quan tâm khôi phục và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt là các bãi sinh sản, nơi tập trung các loài thủy sản còn non.
Thời gian tới, để tập trung bảo vệ nguồn thủy sản, cơ quan chức năng sẽ ban hành quy định vùng, khu vực cấm khai thác và thực hiện cấm tuyệt đối những khu vực hải sản tập trung sinh sản, hoặc khu vực sinh sống của thủy sản còn non. Một số nghề, phương tiện đánh bắt hải sản phải cấm tuyệt đối, ví như nghề lồng xếp, giã cào…
Cùng với đó, có thể cấm khai thác các loài, cấm theo khu vực và thời gian. Khu vực cấm khai thác và các khu bảo tồn ngư dân cũng phải tuyệt đối chấp hành đúng quy định. Việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh để nâng cao nhận thức người dân, giúp họ thấy giá trị của nguồn lợi thủy sản chính là cuộc sống, sinh kế của gia đình mình hiện tại và cả mai sau.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp và các địa phương ven biển cũng đã nghiên cứu hỗ trợ ngư dân chuyển đổi từ các nghề khai thác xâm hại sang các nghề khai thác thân thiện với môi trường. Ngư dân sẽ được đào tạo tham gia các hoạt động như: nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần hoặc một công việc khác tùy theo điều kiện từng vùng. Ngoài ra, sẽ có những chính sách như tín dụng ưu đãi, có nguồn thu nhập thay thế, tạo việc làm mới hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp.
Bài, ảnh: Hà Phương