Hè năm nay là mùa hè cuối cùng đối với em Mai Công T., 10 tuổi, xóm 10C, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh). Vào một ngày đầu tháng 6-2016, T và 2 người bạn cùng tuổi rủ nhau vào ao của nhà thờ xứ Tam Châu tắm ở thời điểm giữa trưa. Do không biết bơi, lại đùa nghịch nhau và không có người giám sát quản lý, 2 người bạn của T. đã tưởng em lên bờ về trước mà không hay biết rằng T đã bị chìm dưới ao từ bao giờ.
Sau khi về nhà tìm không thấy, nghi có chuyện chẳng lành, các em "cầu cứu" đến người lớn, huy động nhiều người lặn tìm, khi kéo được lên thì T. đã mãi mãi ra đi, để lại nỗi đau khôn tả cho cha mẹ, các anh chị em và người thân trong gia đình.
Thực tế không thể dự đoán trước được thời gian và địa điểm khiến trẻ em có thể bị tai nạn đuối nước. Ngày 7-6, cháu bé hơn 2 tuổi Phạm Minh Trí, được bố mẹ cho về quê ngoại tại thôn Nguyễn Xá, xã Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình) chơi.
Trong một phút chủ quan, lơ là của người lớn, em đã rơi xuống ao nhà hàng xóm và tử vong sau đó, để lại niềm ân hận muộn màng cho ông bà ngoại và nỗi đau quá lớn cho người mẹ trẻ phương xa.
Theo thống kê của Phòng Trẻ em - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ đuối nước thương tâm, trong đó, nhiều nhất là huyện Kim Sơn với 4 vụ, các huyện Yên Khánh và Gia Viễn 3 vụ, Yên Mô 2 vụ và Nho Quan, thành phố Ninh Bình mỗi nơi 1 vụ, trong đó nhiều vụ xảy ra khi các em đã được nghỉ hè, chịu sự quan tâm, quản lý hoàn toàn của gia đình.
Được biết, nguyên nhân của các vụ đuối nước thì nhiều, nhưng theo thống kê chủ yếu do thời tiết nắng nóng, trẻ em, học sinh thường rủ nhau đi tắm ở các sông, suối, hồ, ao nên dễ xảy ra các vụ đuối nước thương tâm.
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ, chưa quan tâm, giám sát chặt chẽ con em mình, trong khi các em lại thiếu những kỹ năng phòng, chống đuối nước; nhiều trẻ em không biết bơi và dễ rơi vào tình trạng có nguy cơ bị đuối nước bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, mặc dù các địa phương đã quan tâm, thường xuyên tuyên truyền và tổ chức lớp dạy bơi cho trẻ em nhưng do thiếu thốn về cơ sở vật chất và không đảm bảo an toàn nên không có nhiều trẻ được tham gia các lớp học bơi.
Tìm hiểu tại một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, ngoài thành phố Ninh Bình, Tam Điệp có từ 3-5 hồ bơi và thường xuyên quá tải khi hè về, các huyện chỉ có từ 1-2 hồ bơi tự phát hoặc của các Trung tâm thanh, thiếu nhi nhưng quy mô nhỏ hoặc không có kinh phí nên không thể duy trì lâu dài được…
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em Việt Nam. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 trẻ em (từ 0 - 19 tuổi) bị chết đuối. Như thế, mỗi tháng, con số này sẽ là 300, nếu nhân lên cả năm, số trẻ bị tử vong vì đuối nước sẽ là con số giật mình.
Và hàng năm, số lượng trẻ em chết do đuối nước không hề giảm, nhất là vào mỗi dịp hè. Nỗi đau đuối nước không chỉ của từng gia đình, mà còn là nỗi đau chung của toàn xã hội.
Thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 vào đầu năm 2016.
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 17/CT-TTg yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em.
Thực hiện các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 11-5-2016, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 40 triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020.
Mục đích nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân, các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ em về phòng chống tai nạn, thương tích; loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em trong môi trường sống ở gia đình và cộng đồng nhằm giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị tử vong và tàn tật do tai nạn, thương tích gây ra.
Kế hoạch 40 cũng đề ra mục tiêu tổng quát là kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.
Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 500/100.000 trẻ em; giảm tỷ xuất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích xuống còn 15/100.000 trẻ em; 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 60% huyện, thành phố triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em.
Phấn đấu 70 nghìn ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn, 160 trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn… Đồng thời yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Tài chính, các huyện, thành phố… phối kết hợp hiệu quả trong chỉ đạo và thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em.
Mục tiêu, giải pháp đặt ra cho công tác phòng, chống đuối nước thì có nhiều và đòi hỏi một quá trình triển khai từng bước và lâu dài; tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất và trước mắt vẫn là ý thức tự thân của từng gia đình, từng phụ huynh và quan trọng hơn vẫn là các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa, việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước học sinh và trẻ em cho người dân.
Vấn đề phòng, chống đuối nước cho trẻ em rất cần sự chung tay của toàn xã hội, từ đó mới làm giảm đi nỗi đau chung trong cộng đồng.
Hạnh Chi