Mặc dù nước đã rút nhưng trong vùng đã xảy ra ngập lụt, các điều kiện về ăn ở, giữ vệ sinh môi trường sống, môi trường sinh hoạt của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là việc môi trường bị ô nhiễm sau bão lũ bởi xác động, thực vật bị phân hủy sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển mạnh. Cùng với đó, việc úng ngập khiến nước tràn khắp nơi, đặc biệt nước từ các hố ga, nhà vệ sinh công cộng, khu vực chứa nước thải sinh hoạt, hóa chất, nước thải từ các khu công nghiệp mang nhiều mầm bệnh… Ngoài ra, thời tiết thay đổi đột ngột, điều kiện sinh hoạt bị đảo lộn, thiếu nước sạch để dùng trong sinh hoạt hàng ngày, đại tiểu tiện trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh… cũng góp phần phát sinh bệnh tật. Từ đó, sau bão lũ, thường phát sinh các nhóm bệnh, gồm một số bệnh da liễu như nước ăn chân, mẩn ngứa, viêm da… và các bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn và một số các bệnh như đau mắt đỏ, viêm tai mũi… Trước thực tế trên, ngành Y tế Ninh Bình đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các huyện, thành phố triển khai các bước phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, không để dịch bệnh xảy ra, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sinh hoạt còn khó khăn, thiếu thốn. Cùng với đó, tăng cường giám sát dịch tễ, bệnh nhân; triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, giảm nơi sinh sản của vét-tơ truyền bệnh; tư vấn, theo dõi tình trạng sức khỏe cho người mắc bệnh. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư trang thiết bị… nhằm kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.
Trước khi xảy ra bão lụt, các đơn vị y tế tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân tại các vùng có nguy cơ xảy ra bão lụt chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đóng chai, thuốc thiết yếu... Các đơn vị thành lập đội cơ động phòng chống dịch và phòng chống thiên tai, thảm họa; chuẩn bị thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch; có kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, khắc phục nhanh chóng, hiệu quả ngộ độc thực phẩm nếu xảy ra.
Khi có bão lụt xảy ra, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để các cơ sở không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để chế biến thực phẩm; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân lợi dụng tình trạng khan hiếm thực phẩm để đưa ra thị trường các loại thực phẩm không an toàn. Các đơn vị y tế cử cán bộ xuống vùng lũ lụt để chỉ đạo toàn diện công tác vệ sinh phòng dịch bệnh; duy trì lực lượng y tế tăng cường thường trực tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng do lũ lụt cho đến khi tình hình ổn định.
Theo đồng chí Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, sau bão lụt là lúc dịch bệnh dễ phát sinh và bùng phát, do vậy bên cạnh công tác tuyên truyền, các cơ sở y tế tăng cường các biện pháp phòng các bệnh thường gặp sau mưa lũ như tiêu chảy, đau mắt đỏ, tả, lỵ, thương hàn…; tiếp tục thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước và ngay tại hộ gia đình; chủ động xử lý triệt để khi có ngộ độc thực phẩm, xử lý ổ dịch phát sinh sau bão lụt, không để dịch bệnh lan rộng. Và điều quan trọng hơn vẫn là việc tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, chủ động xử lý làm sạch nguồn nước sinh hoạt, cách phòng-chống dịch bệnh của từng hộ gia đình để mọi người nắm được và nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của các cơ quan y tế.
Trước tình hình mùa mưa bão đang diễn ra, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng khuyến cáo người dân thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Cùng với đó tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường bằng việc thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật đúng quy định. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn… Các cơ sở y tế bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân kịp thời.
Hạnh Chi