Hiện tại nước đã rút nhiều, song đây cũng là lúc các địa phương, các ngành phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, làm sao giúp dân sớm ổn định được nơi ăn, chốn ở, đảm bảo không để xảy ra dịch bệnh, các cháu học sinh được đến trường sớm nhất… Đối với ngành Y tế, nhiệm vụ đặt ra lúc này cũng hết sức cấp bách và nặng nề. Ngoài việc phải duy trì đều các hoạt động khám, chữa bệnh tại chỗ, ngành đã chỉ đạo một số đơn vị như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế Yên Mô, Hoa Lư, Yên Khánh, Tam Điệp cử đoàn cán bộ kèm theo cơ số thuốc thiết yếu tăng cường cho các xã vùng lụt Nho Quan, mỗi đơn vị chịu trách nhiệm 1 xã.
Các đoàn công tác đã cùng với cán bộ y tế địa phương xuống từng hộ dân khám, chữa bệnh, hướng dẫn nhân dân làm vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt, phòng, chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ như bệnh ngoài da, đau mắt đỏ, đường ruột, sốt xuất huyết… Về thuốc và trang thiết bị, tính đến ngày 4-11, Sở Y tế đã tổ chức 2 đợt cấp thuốc xuống vùng lụt Nho Quan, gồm 32 cơ số thuốc, mỗi cơ số trị giá khoảng 350.000 đồng, với đầy đủ các loại thuốc thiết yếu như kháng sinh, thuốc chữa đường ruột, chữa bệnh ngoài da. Ngoài ra còn cấp 149 túi thuốc gia đình, 86.000 gói thuốc chữa nước ăn chân, 52.400 lọ thuốc tra mắt, 500 kg keo lọc nước, 105 kg phèn chua, 250.000 viên Cloramin B, 100 kg bột Cloramin B, 5.000 gói Orezon. Trung tâm Y tế Nho Quan và trạm y tế các xã cũng xuất kho, đưa xuống các hộ dân hàng chục cơ số thuốc, đáp ứng tốt yêu cầu về thuốc chữa bệnh cho nhân dân.
Trao đổi với đồng chí Vũ Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế chúng tôi được biết: Đoàn công tác tăng cường của ngành sẽ ở lại các xã đến khi nước rút hết, sau đó bàn giao lại cho y tế địa phương tiếp tục giám sát dịch bệnh, hướng dẫn nhân dân làm vệ sinh môi trường theo phương châm nước rút tới đâu làm vệ sinh tới đó. Hiện tại lượng thuốc dự trữ trong kho của ngành vẫn còn nhưng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong những ngày tới sẽ tăng, vì vậy Sở Y tế cũng đã đề nghị Bộ Y tế cấp thêm 30 cơ số thuốc, 100 áo phao, 500 kg phèn chua lọc nước, 1 tấn Cloramin B, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu. Cũng theo báo cáo của ngành Y tế, đến nay tại các xã vùng lụt của huyện Nho Quan chưa có dịch bệnh xảy ra, lác đác xuất hiện bệnh nhân đau mắt đỏ, nước ăn chân và ngứa mẩn do ngâm nước lâu. Những bệnh nhân này đã được cấp thuốc điều trị.
Tuy nhiên, ngành Y tế cũng khuyến cáo nhân dân phải đặc biệt chú ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo ăn chín, uống sôi phòng tránh bệnh đường ruột, trong đó có bệnh tiêu chảy cấp vừa mới dập tắt cách đây chưa lâu. Bên cạnh đó, với điều kiện vệ sinh môi trường như hiện tại cũng rất dễ phát sinh bệnh gây thành dịch như sốt xuất huyết, sốt do vi rút, viêm não… Để phòng bệnh, các gia đình cần chủ động làm vệ sinh môi trường, thực hiện vệ sinh cá nhân, không ngâm mình trong nước hoặc phơi nắng quá lâu, kịp thời đến cơ sở y tế khám bệnh nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Hà Trang