Đáng chú ý, trong tháng 5/2019, UBND tỉnh đã ký Quyết định xử phạt số 276/QĐ-XPVPHC đối với Công ty TNHH Long Sơn (phường Trung Sơn, thành phố Tam Điệp) với tổng số tiền lên đến 524 triệu đồng do gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, với các hành vi vi phạm như: Không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND cấp tỉnh phê duyệt theo quy định đối với hoạt động sửa chữa phương tiện tàu thủy nội địa công suất từ 1.000 DWT trở lên; thực hiện không đúng một trong các nội dung trong Đề án Bảo vệ môi trường đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình phê duyệt; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 đến dưới 5 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5 m3/ngày đến dưới 10 m3/ngày...
Cũng liên quan đến việc vi phạm pháp luật về môi trường, qua công tác điều tra, hồi 9 giờ 45 phút ngày 20/6/2019, tại khu vực phố Mỹ Cát, thị trấn Me, huyện Gia Viễn, tổ công tác Công an huyện Gia Viễn kiểm tra, phát hiện, bắt giữ Lê Thị Vân, sinh năm 1967, trú tại xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn đang vận chuyển 2 bao bì mỡ bốc mùi hôi thối khi đang trên đường đi tiêu thụ. Tiến hành khám xét tại nơi ở của Vân, lực lượng Công an tiếp tục thu giữ 2.225 kg mỡ động vật thành phẩm, 1.256 kg tóp mỡ, 620 lít mỡ nước và một số dụng cụ dùng để chế biến mỡ, tất cả số mỡ này đã bốc mùi hôi thối. Lê Thị Vân khai nhận thường xuyên thu mua mỡ tại các cơ sở giết mổ về chế biến để bán kiếm lời. Đây mới chỉ là hai vụ vi phạm nổi bật được các cơ quan chức năng của tỉnh xử lý trong thời gian qua.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2019 đã có 143 vụ, gồm 55 cơ sở và 100 đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản và vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch được cơ quan công an phát hiện và xử lý, tăng 18 vụ (14%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó khởi tố 1 vụ, 1 bị can về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật quý hiếm; xử lý hành chính 142 vụ, phạt tiền 1,5 tỷ đồng. Tịch thu và tiêu hủy hơn 4 tấn động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo ngành chức năng, hiện nay tình hình phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm ngày càng phức tạp. Thủ đoạn, hành vi của loại tội phạm này ngày càng tinh vi nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Lĩnh vực vi phạm lại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nên nhiều vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm.
Trong khi đó, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn, vướng mắc do công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Hành lang pháp lý về xử lý hình sự và xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực môi trường chưa được quy định cụ thể và đủ sức răn đe nên dẫn đến tình trạng các đối tượng lợi dụng sự sơ hở này để hoạt động...
Để ngăn chặn và đấu tranh hiệu quả với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường trên địa bàn, với vai trò là nòng cốt, Công an tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp tích cực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường. 6 tháng đầu năm, lực lượng công an đã tiếp nhận, giải quyết hàng chục đơn thư khiếu nại, tố cáo, thông tin, phản ánh về tình hình vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm trong tỉnh.
Qua đó nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến môi trường đã được phát hiện, xử lý kịp thời, tạo dư luận tốt trong nhân dân. Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành rà soát, nắm chắc tình hình và địa bàn, chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức trinh sát các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, chú trọng công tác phối hợp với các ngành chức năng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; chủ động có kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm môi trường trên tất cả các lĩnh vực.
Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực, đối tượng, địa bàn trọng điểm, như: Lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến và trong nông nghiệp; trong xử lý chất thải...
Tuy nhiên, để công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm và tội phạm về môi trường đạt kết quả cao hơn nữa, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng công an, các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể, người dân cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường bởi đây là những việc làm có ảnh hưởng trực tiếp tới chính cuộc sống của mỗi người dân.
Bài, ảnh: Kiều Ân