Cùng đoàn thanh tra liên ngành số 3 của tỉnh đến kiểm tra VSATTP tại nhà hàng Đức Dê (phố Đoàn Kết, phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình) khi nhà hàng đang chuẩn bị cho buổi đón khách ăn trưa. Theo ông Nguyễn Minh Đức, chủ nhà hàng: Với thâm niên 27 năm trong nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống, mà chủ lực là các món ăn chế biến từ thịt dê nên nhà hàng giữ uy tín với khách hàng bằng chính chất lượng thực phẩm, trong đó việc đảm bảo VSATTP được đặt lên hàng đầu. Nguồn nguyên liệu đầu vào được nhà hàng lấy từ các trang trại nuôi dê do chính nhà hàng liên kết với các hộ nông dân để chăn nuôi. Mọi thủ tục pháp lý trong kinh doanh cũng như việc tập huấn kiến thức, khám sức khỏe cho 20 nhân viên của nhà hàng được chủ cơ sở chấp hành tốt.
Hỏi chuyện anh Nguyễn Minh Tuấn, nhân viên bộ phận chế biến, anh cho biết: Tôi làm ở đây đã mấy năm, khi vào làm đã được chủ cơ sở cho tham gia lớp tập huấn kiến thức về ATTP, được khám sức khỏe định kỳ…nên tôi nắm rõ những quy định về đảm bảo VSATTP trong khâu chế biến. Ngay trong bộ phận chế biến của tôi, những lao động làm việc đều được chú ý về sức khỏe để đảm bảo không có người bị mắc bệnh lây lan, truyền nhiễm tham gia chế biến thực phẩm. Trung bình một ngày, nhà hàng bán ra khoảng 70- 80 kg thịt dê. Do lượng khách đông nên nhà hàng chuẩn bị thực phẩm theo phương châm thịt dê buổi sáng để đón khách buổi trưa, thịt dê buổi chiều để đón khách buổi tối. Ngay trong tủ lạnh của nhà hàng, qua kiểm tra không lưu giữ thịt dê, chỉ có lưu mẫu thực phẩm theo quy định. Do là địa chỉ ẩm thực quen thuộc nên nhà hàng không chỉ đón tiếp khách trong tỉnh, mà nhiều đoàn tham quan, du lịch từ Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình…khi về Ninh Bình đều tìm đến. Với quy mô phục vụ lúc cao điểm nhất khoảng 2.000 khách, nhà hàng Đức Dê chưa để xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào…
Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 144 cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống do Chi cục Quản lý và 928 cơ sở do tuyến huyện quản lý. Từ đầu mùa lễ hội đến nay, thực hiện chức năng được giao, Chi cục đã phối hợp với các ngành, địa phương chú trọng triển khai công tác đảm bảo VSATTP, trong đó tập trung vào 3 địa phương có hoạt động du lịch, lễ hội nhiều là: thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư và Gia Viễn. Qua công tác kiểm tra, ưu điểm nổi bật là các cơ sở đã chấp hành tốt các thủ tục hành chính về ATTP, đáp ứng được các điều kiện về trang thiết bị, lao động tham gia chế biến thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo không có các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống có vùng nuôi trồng nguyên liệu thực phẩm riêng để chế biến như: Nhà hàng Thiên Nga, nhà hàng Hà Tú, khu du lịch sinh thái Thung Nham, Nhà hàng Thanh Xuân…
Tại các nhà hàng, thực phẩm bao gói sẵn có tem nhãn đầy đủ, còn hạn sử dụng, thực phẩm sống đảm bảo tươi, sống hoặc được bảo quản trong thiết bị lạnh. Qua xét nghiệm nhanh, đa số không phát hiện các chất độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe có trong thực phẩm. Các nhà hàng, khách sạn lớn đã thực hiện việc ký kết hợp đồng với nơi cung cấp thực phẩm, có sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm và thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định. Tuy nhiên, qua đợt thanh tra cũng cho thấy, một số cơ sở kinh doanh chủ yếu là các quán ăn nhỏ, lẻ việc chấp hành về ATTP chưa tốt. Trong số 64 cơ sở được kiểm tra vẫn có 16 cơ sở vi phạm, đoàn đã xử lý 7 cơ sở với tổng số tiền là 16 triệu đồng, buộc tiêu hủy 54 kg thịt dê không đảm bảo chất lượng VSATTP, 1 kg giò lợn dương tính với hàn the, 18 gói thuốc bắc nấu lẩu hết hạn sử dụng. Qua xét nghiệm nhanh tại các cơ sở kiểm tra, có 129/169 mẫu đạt, xét nghiệm tại Chi cục 48 mẫu thức ăn chín, có 48/48 mẫu đạt trong giới hạn đối với chỉ tiêu E.coli.
Ngoài ra, các cơ sở còn mắc các lỗi khác như: do có sự thay đổi liên tục về lao động thời vụ nên việc khám sức khỏe cho nhân viên theo định kỳ chưa được chú trọng, việc giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực chế biến chưa được sạch sẽ, người tham gia chế biến, phục vụ ăn uống không được trang bị bảo hộ theo quy định, có cơ sở không ký kết hợp đồng mua nguyên liệu mà mua thực phẩm ngoài chợ hoặc thu mua lẻ của người dân, chưa thực hiện lưu mẫu thực phẩm…
Cùng với nỗ lực của ngành chức năng trong công tác thanh, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống về việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo VSATTP, theo khuyến cáo của ngành chức năng, người dân cũng cần có kiến thức, hiểu biết, thực hành tiêu dùng một cách khoa học, chỉ tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có nhãn, mác, có chứng nhận đảm bảo VSATTP…Đồng thời, khi phát hiện cơ sở nào có vi phạm về ATTP cần thông tin ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời thanh, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bùi Diệu