Toàn tỉnh có 4 tuyến sông có phương tiện chở khách ngang sông hoạt động gồm: Sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Vạc và sông Bôi, trong đó có 35 bến, 52 đò chở khách ngang sông. Trên 4 tuyến sông có 6 cơ sở, doanh nghiệp vận tải, kinh doanh du lịch sử dụng trên 2.441 phương tiện (trong đó bến đò Tràng An có 1.500 phương tiện; bến đò Hang Luồn có 62 phương tiện; bến đò Kênh Gà có 5 phương tiện; bến Kênh Gà - Vân Trình có 4 phương tiện; bến đò Vân Long có 200 phương tiện; bến đò Tam Cốc - Bích Động có 670 phương tiện). Lưu lượng giao thông khá dày đặc, mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu, phà, thuyền, đò ngang cùng hàng nghìn lượt khách qua sông, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông. Do đó, việc bảo đảm ATGT đường thủy luôn được lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy chú trọng. Hàng năm, Đội CSGT đường thủy - Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị, trong đó lấy công tác phòng ngừa tai nạn là chính. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa và đấu tranh với các loại tội phạm trên các tuyến sông, vùng ven được chú trọng.
Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan như Cảng vụ Ninh Bình, Công an các huyện, các phòng chuyên môn Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh nắm tình hình, kết hợp với tuần tra, kiểm soát và các biện pháp nghiệp vụ khác để phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng hoạt động phạm tội trên tuyến đường thủy nội địa, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới biển, phòng, chống tội phạm; thực hiện có hiệu quả các mặt công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác đăng ký, quản lý tạm trú, củng cố các điểm tiếp nhận thông báo lưu trú tại khu vực biên giới biển, nơi các bến tàu, thuyền hay neo đậu. Trên phạm vi các tuyến không có tổ chức bảo kê.
Thường xuyên kiểm tra, khảo sát trên các tuyến phao tiêu, biển báo hiệu, các chướng ngại vật, điểm đen trong địa bàn quản lý đảm bảo đủ biển báo, đăng đáy, chướng ngại vật, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động của các phương tiện thủy. Năm 2016, Đội cảnh sát đường thủy đã hướng dẫn 230 đoàn phương tiện ra vào bốc dỡ hàng nghìn tấn hàng hóa an toàn.
Đồng thời, tổ chức các đợt kiểm tra về chất lượng an toàn kỹ thuật, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy của các lái tàu, thuyền trên tất cả các bến, bãi và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, không để các phương tiện không đủ an toàn hoạt động.
Trong năm 2016, Đội CSGT đường thủy đã tổ chức kiểm tra, yêu cầu ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa đối với 100% các chủ phương tiện tàu thủy, bến phà, bến đò chở khách ngang sông, nhất là quy định về bằng chứng chỉ chuyên môn, điều kiện an toàn của phương tiện, trang bị áo phao, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm trên phương tiện để phòng ngừa tai nạn, vận động người dân không sử dụng hóa chất, thuốc nổ, xung điện trong đánh bắt thủy sản để bảo vệ môi trường…
Do vậy, TTATGT đường thủy trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến, ý thức chấp hành luật ATGT của người dân đã được nâng cao, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do mất ATGT đường thủy gây ra, tai nạn giao thông đường thủy giảm cả 3 tiêu chí.
Trên các con sông như sông Đáy, sông Hoàng Long có nhiều bến đò ngang hoạt động, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, do vậy, thời điểm mùa bão, lũ đang đến gần luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các tai nạn đáng tiếc liên quan đến giao thông đường thủy.
Nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện tàu, bè và các bến đò ngang trong mùa bão lũ, lực lượng CSGT đường thủy Công an tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành thống kê, kiểm tra các phương tiện giao thông đường thủy trên địa bàn một cách đồng bộ để chủ động ứng phó khi có bão lũ xảy ra.
Trung tá Đinh Đức Minh, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy- Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Phòng CSGT, lãnh đạo Công an tỉnh Ninh Bình, trước mùa bão lũ, Đội CSGT đường thủy đã phối hợp với các lực lượng, ban, ngành, đặc biệt là cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường thủy nội địa và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên tuyến nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành của đội ngũ thuyền viên, những người hành nghề sinh sống trên mặt nước.
Đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, những lỗi là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Chú trọng đến công tác phòng, chống khai thác cát sỏi trái phép trên các tuyến sông gây ảnh hưởng đến luồng tàu chạy, ảnh hưởng đến đê điều, công trình thủy lợi trên các tuyến.
Tham mưu cho lãnh đạo Phòng CSGT, lãnh đạo Công an tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng phòng, chống thiên tai và công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn với phương châm "4 chủ động", "3 sẵn sàng".
Bên cạnh đó, phối hợp với các phòng ban của Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp & PTNT, Bộ đội Biên phòng, địa phương nơi có các tuyến sông, kiểm tra rà soát các luồng tàu chạy, các đê đập, các điểm tránh trú bão, cho các phương tiện, hướng dẫn các phương tiện vào nơi tránh trú bão nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Lực lượng cảnh sát đường thủy luôn chủ động về lực lượng, phương tiện sẵn sàng đáp ứng khi có tình huống xảy ra.
Bài, ảnh: Hồng Vân