Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các loại hình doanh nghiệp đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực.
Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 1.700 doanh nghiệp với gần 90.000 công nhân lao động. Thông qua các hình thức như họp tổ công nhân tự quản, tìm hiểu tủ sách pháp luật, tư vấn pháp luật... đã có gần 20.000 lượt người sử dụng lao động và người lao động tại các doanh nghiệp được tập huấn, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các đối tượng này về quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn lao động, dạy nghề, bảo hiểm xã hội…
Người lao động đã cơ bản nắm được các chính sách, pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách, quyền và lợi ích hợp pháp khi tham gia quan hệ lao động. Người sử dụng lao động cũng nhận thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, góp phần hạn chế việc tranh chấp lao động, mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, trên thực tế công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực ngoài Nhà nước vẫn chưa được thực hiện thường xuyên và đồng bộ. Trong đó phải kể đến nguyên nhân cơ bản là vẫn còn nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức rõ vị trí và tầm quan trọng của công tác này, do đó chưa thật sự quan tâm đến việc phối hợp với công đoàn để phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động. Đối với những doanh nghiệp đã triển khai được hoạt động này có thể thấy nhiều nơi hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chưa phong phú và linh hoạt, nội dung còn đơn điệu. Thực trạng đó xuất phát từ việc đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của tổ chức công đoàn còn mỏng, kinh phí hoạt động còn eo hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế dẫn tới hiệu quả tuyên truyền chưa cao.
Thời gian tới, để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các doanh nghiệp thực sự phát huy được hiệu quả thực tiễn, các cấp công đoàn cần nghiên cứu đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, lựa chọn nội dung sát thực với từng nhóm đối tượng, trong đó ưu tiên công nhân lao động trực tiếp sản xuất, công nhân ở các doanh nghiệp tư nhân, ở những địa bàn xa trung tâm. Bởi qua tìm hiểu thực tế được biết nhận thức của những nhóm đối tượng này còn có những hạn chế nhất định, đồng thời môi trường làm việc lại thiếu những điều kiện thuận lợi để tiếp nhận các thông tin mới.
Cùng với đó để nâng cao chất lượng tuyên truyền thì bản thân những người tham gia công tác này cụ thể là đội ngũ báo cáo viên công đoàn cần được trang bị đầy đủ những kiến thức pháp luật liên quan và những kỹ năng xã hội, những hiểu biết thực tế để hình thức tuyên truyền trở nên gần gũi, thiết thực, nội dung dễ hiểu, dễ nhớ. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp". Các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan tăng cường công tác phối hợp, bố trí kinh phí thực hiện đề án, tăng cường giám sát, kiểm tra định kỳ việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực lao động tại các loại hình doanh nghiệp.
Duy Hiền