Khí hậu mùa đông xuân thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như sởi, rubella, viêm màng não do mô cầu, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, tiêu chảy do rota vi rút, tay-chân-miệng… Bên cạnh các dịch bệnh có tính chất lưu hành trong nước nói trên, khả năng xâm nhập của các bệnh như cúm A/H7N9, cúm A/H5N6, bệnh do vi rút Ebola vào Việt Nam là rất lớn do tính chất phức tạp và gia tăng của các dịch bệnh này trong thời gian gần đây trên thế giới.
Cũng như nhiều khoa Khám bệnh tại các đơn vị điều trị tuyến tỉnh và huyện trong thời điểm giao mùa, tại Khoa khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa Yên Khánh, người dân đến khám, chữa bệnh hầu như ngày nào cũng đông. Bác sỹ Nguyễn Thị Nhiễu, Trưởng Khoa khám bệnh cho biết: Năm nào cũng vậy, thời điểm thời tiết giao mùa là lượng bệnh nhân tăng đột biến, gây quá tải. Như tại Khoa khám bệnh, mặc dù năng lực của Khoa có 5 phòng khám thuộc các chuyên khoa: nội - đông y, nhi - hô hấp, nội tổng hợp, ngoại - sản chuyên khoa và bệnh mãn tính nhưng có nhiều ngày, tất cả các phòng khám đều trong tình trạng quá tải với lượng người bệnh đến khám từ 250-300 lượt người mỗi ngày. Lượng bệnh nhân đông, nhưng cả Khoa có 1 bác sỹ đảm nhiệm công việc thuộc biên chế của Khoa cộng với 2 bác sỹ điều chuyển từ các khoa khác.
Lúc cao điểm có thể huy động thêm các bác sỹ, thậm chí cả bác sỹ Phó Giám đốc Bệnh viện cũng tham gia khám bệnh để đáp ứng kịp thời nhu cầu khám bệnh của người. Do đó, dù cường độ làm việc cao nhưng chưa ngày nào Khoa khám bệnh để tồn đọng người chưa được khám. Tất cả đều được giải quyết trong ngày. Thời điểm giao mùa hiện nay, Khoa khám bệnh thường xuyên đón tiếp những bệnh nhân mắc bệnh: viêm phế quản, viêm phổi, tăng huyết áp và một số bệnh mãn tính…
Điều mà các bác sỹ thực hiện nhiệm vụ tại Khoa luôn trăn trở là, mặc dù được điều trị, được tư vấn và hướng dẫn nhưng nhiều gia đình, nhất là những gia đình có con nhỏ vẫn thiếu kiến thức và chưa thực hiện chú ý chăm sóc sức khỏe cho con em nên có những trường hợp, dù viêm phế quản nhưng tháng nào cũng gặp bác sỹ.
Để chủ động đối phó với các dịch bệnh có thể xảy ra vào mùa đông xuân, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 341/UBND-VP6 ngày 29-9-2014 về việc "Tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân", Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trong ngành quan tâm triển khai các hoạt động chuyên môn. Các đơn vị điều trị, nhất là tuyến huyện đã phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn chủ động triển khai các hoạt động giám sát ca bệnh, thông báo kịp thời các ca nghi mắc để có phương án xử lý. Chuẩn bị tốt các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất, trang thiết bị phương tiện, phòng cách ly, trang bị phòng hộ cá nhân, tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, hạn chế thấp nhất tử vong…
Trong đó, công tác truyền thông được quan tâm đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Truyền thông, giáo dục sức khỏe bổ sung kế hoạch truyền thông phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về các dịch bệnh có thể mắc trong mùa đông xuân và các biện pháp phòng tránh. Trong đó, đặc biệt chú ý các dịch bệnh nguy hiểm như các loại cúm A, bệnh do vi rút Ebola… với các nội dung thông tin được truyền tải chính xác, phù hợp với tình hình thực tế, dễ hiểu để người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã phối hợp với các đơn vị truyền thông trên địa bàn đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh. Các trung tâm y tế tuyến huyện chỉ đạo các trạm y tế xã trên địa bàn tăng cường truyền thông, chủ động công tác giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh đầu tiên, cách ly kịp thời và báo cáo cơ quan y tế tuyến trên…
Những nỗ lực của các đơn vị trong ngành Y tế đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, để phòng, chống dịch bệnh, hoạt động của ngành Y tế là chưa đủ, quan trọng nhất là ý thức, kiến thức, hiểu biết của người dân, mỗi gia đình trong việc tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng thông qua thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống, giữ gìn vệ sinh môi trường…
Thực tế từ các trường hợp đến khám và điều trị tại các đơn vị y tế cho thấy, nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết chưa đầy đủ, có ít sự quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân, các thành viên trong gia đình nên với một số bệnh thông thường như: cảm cúm, viêm họng, tay-chân-miệng… chỉ đến bệnh viện khi bệnh đã nặng lên.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số ca bệnh truyền nhiễm như: 283 ca tay-chân-miệng, 312 ca mắc thủy đậu, 11.674 ca mắc cúm, 5.801 ca mắc tiêu chảy, 125 ca mắc sởi, 4 trường hợp mắc liên cầu lợn, trong đó có 2 trường hợp tử vong… Đặc biệt, với các trường hợp mắc sởi, đây chủ yếu là các trường hợp chưa tiêm vắc xin sởi. Hay như 2 trường hợp tử vong do mắc liên cầu lợn xuất phát chính từ thói quen ăn tiết canh lợn vẫn còn tồn tại ở một số người, nhất là namgiới. Trong khi, nhiều năm nay ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ mất an toàn về sức khỏe khi sử dụng tiết canh và các thực phẩm chưa qua chế biến, nấu chín, nhưng nhiều người vẫn "bỏ mặc ngoài tai", vẫn duy trì lối sinh hoạt thiếu khoa học…
Để có thêm nhiều người dân có nhận thức đúng đắn về việc phải quan tâm chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng thông qua các thói quen sinh hoạt, ăn uống hàng ngày, cùng với nỗ lực của ngành Y tế, các địa phương cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, có chế tài xử lý mạnh đối với các cơ sở, hàng quán ăn uống chưa thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Có như vậy mới góp phần giảm tải bệnh nhân cho các đơn vị điều trị vào mỗi đợt thời tiết giao mùa.
Bài, ảnh: Bùi Diệu