Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cơ bản bảo đảm trình tự, thủ tục, thời hạn, thời hiệu theo quy định. Công tác đối thoại trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được coi trọng, bảo đảm dân chủ, công khai, có lý, có tình; từ đó góp phần hạn chế việc tái khiếu, tái tố.
Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo đã tăng cường phối hợp giữa chính quyền các cấp với các cơ quan chức năng của tỉnh và Trung ương, các đoàn thể chính trị xã hội tạo sự thống nhất, tập trung, kịp thời.
Nhiều vụ việc mới phát sinh được kịp thời giải quyết ngay từ cơ sở, một số vụ việc phức tạp, kéo dài đã được tập trung giải quyết và chỉ đạo giải quyết dứt điểm, góp phần quan trọng vào giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua còn một số tồn tại: Trong tiếp dân vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc lịch tiếp dân. Việc phân loại, xử lý đơn, xác định thẩm quyền giải quyết đơn thư khiếu tố còn hạn chế.
Trong một số vụ việc công tác tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có liên quan chưa được quan tâm đúng mức. Một số vụ việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo còn chậm so với thời gian quy định. Việc tổ chức thực hiện kết luận, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo có vụ việc còn chậm, chưa kiên quyết, nhất là thu hồi về kinh tế, đất đai, xử lý cán bộ có sai phạm.
Việc kiểm tra trách nhiệm đối với chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số UBND huyện, thành phố chưa thường xuyên, chất lượng có mặt còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật Tiếp công dân nói riêng có nơi chưa được thực hiện thường xuyên và sâu rộng…
Trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các ngành, đoàn thể, địa phương chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, phát hiện sớm vụ việc, kịp thời đề ra các biện pháp chỉ đạo, giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn.
Khắc phục kịp thời khuyết điểm, thiếu sót trong công tác quản lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt việc phối hợp các biện pháp giữa hành chính với kinh tế, giữa vận động và thuyết phục với hòa giải vụ việc ngay từ cơ sở.
Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung thống nhất, chỉ đạo, giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp và tranh thủ sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các đoàn thể để giải quyết dứt điểm vụ việc, không để phát sinh thành điểm nóng.
Các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội làm tốt công tác hòa giải, vận động thuyết phục và giáo dục công dân tôn trọng quy định của pháp luật; ngăn chặn kịp thời trường hợp công dân bị kích động, xúi giục, lôi kéo tham gia vào các vụ việc khiếu kiện đông người.
Khi tiếp công dân, cán bộ, người có thẩm quyền phải nắm vững pháp luật, chính sách, nội dung phát sinh khiếu kiện, giải thích, hướng dẫn công dân hiểu rõ các quy định của pháp luật, chính sách của Nhà nước liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo.
Người làm công tác tiếp công dân thực hiện tốt việc phân loại, xử lý đơn thư kịp thời, chính xác, có thái độ kiên quyết đối với những công dân cố tình đeo bám khiếu kiện và kích động, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia khiếu kiện.
Trần Dũng