Cuối năm 2012 vừa qua, BHXH tỉnh đã tiến hành khởi kiện Công ty TNHH Dương Giang, xã Gia Tường (Nho Quan). Đây là Công ty nợ đọng tiền BHXH, BHYT và BHTN kéo dài từ năm 2005. Tính đến hết tháng 9/2012, tổng số tiền nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của Công ty là hơn 1,5 tỷ đồng. Mặc dù đã nhiều lần BHXH tỉnh cử các đoàn kiểm tra đến Công ty TNHH Dương Giang để nhắc nhở, đôn đốc nhưng Công ty vẫn không chấp hành. Đầu tháng 11/2012, Tòa án tiến hành hòa giải giữa 2 đơn vị nhưng buổi hòa giải không thành. Giữa tháng 12/2012, Tòa án mở phiên xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, 2 bên đã trình bày ý kiến của mình, tiến hành tranh luận. Sau khi nghị án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã tuyên án Công ty TNHH Dương Giang đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Bảo hiểm xã hội và yêu cầu Công ty phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của mình để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Như vậy, Công ty TNHH Dương Giang đã thua kiện, phải thực hiện nghĩa vụ của mình và toàn bộ án phí với gần 60 triệu đồng. Đây cũng là bài học để các đơn vị còn nợ đọng BHXH nghiêm túc thực hiện đúng quy định của pháp luật về BHXH, BHYT cho người lao động.
Đồng chí Trương Văn Lưu, Giám đốc BHXH huyện Kim Sơn cho biết: Toàn huyện Kim Sơn hiện có trên 170 đơn vị trong diện thu BHXH với hơn 5 nghìn người tham gia. Trên địa bàn huyện, các doanh nghiệp nợ đọng, chậm nộp BHXH còn khá nhiều với số tiền gần 2 tỷ đồng, trong đó có những doanh nghiệp rất khó có khả năng thanh toán BHXH. Mặc dù trước đó, ngay từ những tháng đầu năm 2012, BHXH huyện đã thường xuyên cử cán bộ BHXH xuống làm việc trực tiếp với các chủ doanh nghiệp, kết hợp với phòng Pháp chế của BHXH tỉnh tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị nợ đọng nhằm truy thu số tiền lớn và kéo dài nhưng kết quả vẫn chưa khả quan. Một số doanh nghiệp vi phạm luật BHXH, BHYT, có số nợ khá cao và kéo dài như: Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Ninh Bình nợ gần 400 triệu đồng, Doanh nghiệp tư nhân thủ công mỹ nghệ Xuân Hòa nợ trên 80 triệu đồng, Chi nhánh Công ty xây dựng và thương mại Thành Đô nợ trên 60 triệu đồng…
Đồng chí Lê Hùng Sơn, Giám đốc BHXH tỉnh Ninh Bình cho biết: Thời gian qua, BHXH tỉnh đã tích cực triển khai, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, luôn coi nhiệm vụ thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và giảm nợ tiền đóng BHXH, BHYT là nhiệm vụ hàng đầu của ngành. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được BHXH Việt Nam giao, BHXH tỉnh đã ký Quy chế phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh… trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành tiến hành nhiều giải pháp như: phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh các đơn vị cố tình né tránh việc tham gia BHXH, BHYT đối với người lao động, khởi kiện các đơn vị nợ, đưa danh sách các đơn vị nợ lên các phương tiện thông tin đại chúng và đề nghị không tôn vinh, khen thưởng các đơn vị còn nợ BHXH, BHYT... Đến cuối tháng 12/2012, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là trên 48 tỷ đồng, bằng 5,7% so với tổng số phải thu, tăng hơn 11 tỷ đồng so với năm 2011. Trong đó, nợ BHXH gần 39 tỷ đồng; nợ BHTN trên 3 tỷ đồng và nợ BHYT trên 6 tỷ đồng. Mặc dù BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách BHXH, BHYT nhưng tình trạng nợ đọng BHXH vẫn còn diễn biến phức tạp. Năm 2012, trong 90 đơn vị sử dụng lao động được kiểm tra có 82 đơn vị để nợ đọng BHXH với số tiền trên 7 tỷ đồng. Sau khi Đoàn kiểm tra có kiến nghị và văn bản kết luận xử lý sau kiểm tra đã có 48 đơn vị nộp tổng số tiền nợ đọng là 6,4 tỷ đồng…
Cũng theo đồng chí Giám đốc BHXH tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các đơn vị dây dưa, nợ đọng và chậm nộp BHYT, BHXH, BHTN cho người lao động. Trong đó nguyên nhân quan trọng là do tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm, sản xuất kinh doanh đình đốn, sức mua thị trường giảm, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không có khả năng đóng BHXH làm cho nợ BHXH tăng nhanh. Nguyên nhân thứ hai là do cơ chế, chính sách. Do quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng nên đại bộ phận doanh nghiệp cố tình nợ BHXH, chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH. Hơn nữa, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT còn nhiều bất cập như mức xử phạt thấp, thủ tục xử phạt phức tạp, không quy định xử lý hình sự khi chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động. Cơ quan BHXH không có chức năng thanh tra, xử phạt vi phạm BHXH, do đó khi kiểm tra, phát hiện các đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT chỉ nhắc nhở đề nghị doanh nghiệp chấp hành, sau đó phản ánh với UBND tỉnh hoặc UBND huyện để xử lý.
Một nguyên nhân nữa là do nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT bắt buộc của người sử dụng lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài nhà nước, do vậy việc đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng thường xuyên xảy ra. Người sử dụng lao động cố tình không đóng BHXH, BHYT hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn.
Bên cạnh đó, do chưa có biện pháp để xử lý triệt để các trường hợp trốn đóng, nợ tiền đóng BHXH, BHYT kéo dài, chưa kiên quyết xử lý vi phạm và xử lý sau thanh tra, kiểm tra đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra….
Hạnh Chi