Do vậy mà lễ hội cũng ngày càng được khôi phục và phát triển, góp phần phát huy giá trị hướng về nguồn cội, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc, các vùng miền và đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện cả nước có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian; 332 lễ hội lịch sử; 544 lễ hội tôn giáo; 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài, còn lại là lễ hội khác….
Ninh Bình là tỉnh nằm ở khu vực đồng bằng bắc bộ nên cũng có nhiều lễ hội. Từ lễ hội cấp tỉnh, cấp huyện đến lễ hội làng, xã. Ngành chức năng cho biết, cả tỉnh có tổng số 225 lễ hội dân gian, trong đó có 9 lễ hội đã bị mai một hoặc bị gián đoạn, chỉ có 216 lễ hội được tổ chức thường xuyên, định kỳ; 184 lễ hội thực hiện cả phần lễ và phần hội; 32 lễ hội chỉ thực hiện nghi thức tế lễ, không tổ chức phần hội.
Một đặc điểm quan trọng là lễ hội ở Ninh Bình tập trung chủ yếu vào mùa xuân, trong đó có 158 lễ hội diễn ra trong thời gian từ đầu tháng 1 đến hết tháng 3 âm lịch. Có những lễ hội trong 1-2 ngày, song có lễ hội kéo dài 2-3 tháng. Lễ hội ở Ninh Bình chủ yếu gắn với các cơ sở tín ngưỡng đền, chùa và di tích lịch sử, văn hóa với mục đích cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi và tưởng nhớ công lao của các vị tiền nhân có công với dân, với nước. Từ nhiều năm nay, Ninh Bình đã có những lễ hội cả nước biết đến như: Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Hoa Lư… thu hút đông đảo người dân và du khách khắp các vùng, miền về tham dự.
Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12 tháng 01 năm 1998 của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và Thông tư số 15/TT-BVHTTDL, ngày 22/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về việc tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh ta được nâng lên. \
Do vậy, công tác quản lý và tổ chức lễ hội cơ bản đã thực hiện nghiêm các quy định, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Phần lễ được tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính. Chương trình phần hội phong phú, hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ và tiết kiệm. Nhiều lễ hội kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao gắn với việc giới thiệu những giá trị lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh của tỉnh Ninh Bình, thông qua đó để quảng bá tiềm năng, thế mạnh, nhất là về du lịch với bạn bè trong nước và quốc tế.
Từ lễ hội quy mô cấp tỉnh đến các lễ hội phạm vi làng, xã đều cơ bản đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng lợi dụng lễ hội hành nghề mê tín dị đoan. Các hoạt động như: trộm cắp, cờ bạc, ăn xin… của một số đối tượng xấu trong các lễ hội hầu như đã được giải quyết triệt để. Một số lễ hội như: lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Hoa Lư… đã thu hút được đông đảo du khách, tôn vinh được di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, quảng bá và nâng cao được uy tín của du lịch Ninh Bình.
Tuy vậy, do lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa tổng hợp mang tính cộng đồng cao; là nơi tập trung đông người nên rất dễ xảy ra các hiện tượng tiêu cực, phản cảm... Mặc dù các ngành chức năng đã có các biện pháp quản lý, ngăn chặn nhưng vẫn còn một số đối tượng lợi dụng lễ hội trên địa bàn tỉnh ta để trộm cắp, ăn xin, cờ bạc, chèo kéo, nâng giá dịch vụ, bắt ép du khách....
Năm nay, Ninh Bình tổ chức nhiều lễ hội, trong đó có lễ hội Hoa Lư đúng vào dịp kỷ niệm 1050 Nhà nước Đại Cồ Việt sẽ có đông đảo nhân dân tới tham dự. Để mùa lễ hội năm 2018 diễn ra an toàn, vừa văn minh, vừa giữ gìn và phát huy được các giá trị văn hóa và du lịch của tỉnh Ninh Bình nói chung và từng địa phương nói riêng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải thực sự quan tâm, có kế hoạch cụ thể chỉ đạo tổ chức lễ hội đảm bảo trang trọng, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và giữ gìn tốt cảnh quan môi trường. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lễ hội, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức quần chúng, kết hợp với đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người tham gia lễ hội nâng cao ý thức tự giác, thực hiện nghiêm các quy định, góp phần làm cho các lễ hội được tổ chức thành công, đạt được mục đích và yêu cầu đề ra. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 01/CT-UBND ngày 01/01/2018 của UBND tỉnh là "không sử dụng xe công đi lễ hội và không đi lễ hội trong giờ hành chính".
Nguyễn Đông