Xác định HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai nòi giống, có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương. Do đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và phức tạp ở mỗi địa phương, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, cụ thể: Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện Chỉ thị 54-CT/T.Ư tại địa phương và cơ sở. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc tham gia và phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS, xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp liên ngành để triển khai các hoạt động một cách cụ thể. Trong đó, duy trì và đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, chú trọng truyền thông ở vùng sâu, vùng xa và vùng các dân tộc ít người, tập trung giáo dục cho thanh, thiếu niên nhằm mục đích dự phòng sớm...
Thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh được đẩy mạnh với 9 chương trình hành động theo Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS gồm: Chương trình thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi; Chương trình can thiệp giảm tác hại; Chương trình chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; Chương trình giám sát theo dõi và đánh giá; Chương trình tiếp cận điều trị với thuốc kháng HIV; Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Chương trình an toàn truyền máu; Chương trình dự phòng các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; Chương trình nâng cao năng lực và hợp tác quốc tế.
Đến nay, 100% các huyện, thành phố, thị xã có khả năng tự đánh giá được tình hình dịch ở địa phương. Ngay tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã thực hiện được việc xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai để phòng lây nhiễm từ mẹ sang con. Ngăn chặn tuyệt đối sự lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ y tế: 100% chai máu và các chế phẩm máu được sàng lọc HIV trước khi truyền, 100% cơ sở y tế thực hiện đúng quy định về vô khuẩn, sát khuẩn phòng lây nhiễm HIV/AIDS... DDối với đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tuyến tỉnh đến cơ sở cũng được quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, được hưởng những đãi ngộ theo đặc thù nghề nghiệp. Hàng năm, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS được đào tạo và đào tạo lại, nâng cao năng lực chuyên môn ít nhất 1 năm 1 lần. 100% cán bộ tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS bị phơi nhiễm với HIV được điều trị dự phòng miễn phí. 100% cán bộ chuyên trách tuyến tỉnh và một số cán bộ tuyến huyện đã được hưởng chế độ lương, phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định của Nhà nước...
Tính đến hết tháng 9-2011, toàn tỉnh phát hiện 2.692 trường hợp nhiễm HIV, trong đó đã có 568 trường hợp tử vong do AIDS. 8/8 huyện, thành phố, thị xã, 140/146 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS. Có những gia đình cả vợ chồng, con cái hoặc anh em ruột đều nhiễm HIV/AIDS, trẻ em nhiễm từ mẹ... Thực tế trên cho thấy tình hình dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, sự gia tăng lây nhiễm chưa khống chế được, đòi hỏi công tác phòng, chống HIV/AIDS phải luôn được tăng cường, cập nhật và đổi mới để phù hợp với tình hình. Trong đó, công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cần được quan tâm thực hiện thường xuyên, với sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS bước sang giai đoạn mới, giảm thiểu số ca mới mắc.
Hồng Vân