Hỏi chuyện chị Trần Thị Hiền (phường Nam Bình - thành phố Ninh Bình) lý do đưa con vào viện, chị cho biết: Thời tiết thay đổi thất thường, vài hôm nóng rồi chuyển sang lạnh khiến trẻ nhỏ liên tục ốm. Bé nhà tôi bị sốt và viêm phế quản đã mấy ngày, cũng đã điều trị ở nhà nhưng không khỏi nên đưa đến viện…
Hết sức bận rộn với các ca bệnh, bác sỹ Nguyễn Hồng Kiều, Trưởng khoa Nhi cho biết thêm: Năm nào cũng vậy, thời điểm giao mùa là thời điểm nhiều dịch bệnh dễ lây lan, đặc biệt đối với đối tượng người cao tuổi và trẻ em là những người có sức đề kháng kém nên dễ mắc bệnh. Mặc dù năm nay diễn biến dịch bệnh không có gì khác và mới so với quy luật mọi năm, trường hợp mắc bệnh của trẻ chủ yếu là viêm họng, viêm phế quản, tiêu chảy cấp, sốt vi rút… nhưng do nhiều trẻ được bố mẹ tự điều trị ở nhà, chỉ khi thấy tình hình bệnh không chuyển biến mới tìm đến bệnh viện nên có những trường hợp đã chuyển sang nặng, dẫn đến những biến chứng đáng tiếc. Mặc dù trong điều kiện quy mô giường bệnh của khoa Nhi mới chỉ kê được 90 giường bệnh nhưng vì lượng bệnh nhân đông, có ngày đón tiếp từ 70- 80 bệnh nhi nên tình trạng nằm ghép đã xảy ra. Để khắc phục tình trạng quá tải, khoa Nhi đã đổi mới hoạt động đón tiếp và khám cho bệnh nhi thuận tiện, nhanh chóng hơn để đáp ứng nhu cầu người bệnh.
Tại khoa Nhi, các bác sỹ tiến hành chẩn đoán, khám, sàng lọc và chuyển những bệnh nhi mắc bệnh ở mức độ nhẹ sang các khoa khác trong Bệnh viện, ưu tiên giường bệnh cho những bệnh nhi nặng hơn. Với nhiều trường hợp đến khám, các bác sỹ đã tư vấn trực tiếp để phụ huynh có thể tự chăm sóc cho con tại nhà. Bên cạnh đó, khắc phục tình trạng giường bệnh tại khoa Nhi không đủ, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã bố trí giường bệnh trống tại các khoa khác để bệnh nhân nằm điều trị, tăng cường thêm đội ngũ y, bác sỹ từ các khoa khác cùng với khoa Nhi để đón tiếp và khám, điều trị kịp thời cho người bệnh.
Trao đổi về cách phòng, chống bệnh thời điểm giao mùa cho trẻ nhỏ, bác sỹ Nguyễn Hồng Kiều có lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh: Vì đối tượng trẻ nhỏ có sức đề kháng kém nên việc vệ sinh thân thể, chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ phải được quan tâm và thực hiện theo đúng khuyến cáo của ngành Y tế. Thời điểm giao mùa, phải chú ý đến việc ăn mặc của trẻ sao cho đủ ấm, không để mặc quá nóng hoặc quá lạnh. Tăng cường chế độ dinh dưỡng cho trẻ, trong đó chú ý cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả. Đặc biệt, thời điểm sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội, nhiều gia đình chủ quan cho trẻ đi chơi xuân trong tiết trời thay đổi nóng, lạnh bất thường cũng là nguyên nhân khiến nhiều trẻ mắc bệnh. Khi phát hiện thấy trẻ có biểu hiện sốt, nôn, tiêu chảy… cần nhanh chóng đưa trẻ vào viện, tuyệt đối không dùng thuốc bừa bãi, nhất là kháng sinh vì dễ gây nên hiện tượng kháng thuốc, khó khăn trong công tác điều trị. Các bác sỹ cũng hết sức lo ngại về tình trạng lây nhiễm dịch bệnh ở trẻ nhỏ nếu lượng bệnh nhân ngày càng tăng như hiện nay.
Theo thống kê, chỉ mới từ đầu tháng 3 đến nay, Khoa Nhi đã tiếp đón hơn 1.000 bệnh nhi đến khám và điều trị, tăng 20% so với cùng thời điểm tháng trước.
Trao đổi với bác sỹ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được biết thêm: Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh, nhất là dịch bệnh theo mùa như: cúm, tiêu chảy, lỵ… vẫn xảy ra lẻ tẻ tại các địa phương, không xuất hiện thành dịch bệnh lớn, không có trường hợp nào tử vong. Một số dịch có dấu hiệu giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm trước như: cúm mùa có 4.321 ca, giảm gần 300 ca so với cùng kỳ; thủy đậu, sởi, quai bị cũng giảm mạnh. Đặc biệt, dịch tay- chân- miệng năm qua xuất hiện khá nhiều ở các địa phương trong tỉnh, nhưng do ngành Y tế cùng người dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường, ăn uống hợp vệ sinh… nên từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh mới ghi nhận 28 trường hợp mắc tay- chân-miệng, giảm 151 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Cúm A (H5N1) và cúm A (H1N1) nhiều năm không xuất hiện trên địa bàn.
Những năm gần đây, Ninh Bình ít chịu ảnh hưởng bởi các dịch bệnh lớn, nhất là dịch bệnh nguy hiểm, nhưng không vì thế mà ngành Y tế lơ là, chủ quan trong việc phòng, chống dịch bệnh. Rút kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch bệnh nhiều năm qua nên công tác phòng, chống dịch bệnh được Trung tâm Y tế dự phòng và các đơn vị y tế trong tỉnh duy trì thường xuyên, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất và phương tiện phòng, chống dịch để ứng phó khi có dịch xảy ra. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân thông qua việc thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ, vận động nhân dân, nhất là người dân sinh sống ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn đầu tư xây dựng các công trình hố xí, nước sạch hợp vệ sinh, thực hiện "ba sạch" trong sinh hoạt…
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch cúm A(H7N9) đang xuất hiện tại quốc gia láng giềng là Trung Quốc với một số ca tử vong và dịch cúm A(H5N1), dịch sốt xuất huyết, tay - chân - miệng… đang bùng phát tại một số tỉnh phía Nam và miền núi phía Bắc nước ta, công tác phòng, chống dịch bệnh được ngành Y tế tỉnh tăng cường nhằm chủ động phòng, chống, không để dịch lây lan trên địa bàn.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã có văn bản gửi Chi cục Hải quan, Cảng vụ nội địa - Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh quan tâm chỉ đạo và triển khai việc giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh vào nước ta, tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý đối với các phương tiện vận tải, hàng hóa nhập cảnh, nhập khẩu vào Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng ở cửa khẩu, cảng vụ trong việc giám sát người, phương tiện vận tải và hàng hóa nhập cảnh, nhập khẩu qua cửa khẩu. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã quan tâm củng cố và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để phòng, chống dịch bệnh…
Hiện nay, trước tình hình dịch bệnh nguy hiểm là cúm A (H7N9), nhiều người dân bày tỏ lo lắng vì đây là dịch bệnh mới nên chưa biết cách nhận biết dấu hiệu của bệnh. Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A(H7N9) và chính thức đưa vào áp dụng tại các cơ sở y tế. Theo Bộ Y tế, đây là một chủng mới có nguồn gốc gen từ vi rút cúm gia cầm và một số loài chim, có khả năng gây nhiễm cho người dẫn đến viêm phổi nặng tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Theo đó, ca bệnh nghi ngờ là những người có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với cúm A(H7N9) trong vòng 2 tuần, có tiền sử đi vào vùng dịch tễ hoặc sống trong vùng dịch tễ; tiếp xúc gần với gia cầm và một số loài chim bị bệnh (chế biến, vận chuyển, giết mổ gia cầm bị bệnh chưa nấu chín); tiếp xúc gần với người bệnh nghi ngờ, có thể hoặc đã xác định mắc cúm A(H7N9).
Ngoài ra, những người có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp như sốt, ho, khó thở, có tổn thương nhu mô phổi (viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh, không tìm được bằng chứng nhiễm trùng do các căn nguyên khác gây viêm phổi) đều là những ca nghi ngờ. Để khẳng định bệnh nhân có bị nhiễm cúm A(H7N9) phải dựa vào kết quả xét nghiệm bệnh phẩm bằng xét nghiệm PCR/giải trình tự gen/phân lập vi rút cúm A(H7N9).
Trước tình hình xuất hiện dịch bệnh mới nêu trên và để chủ động phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm đang xuất hiện ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đưa ra khuyến cáo với người dân không buôn bán, giết mổ, sử dụng thịt và các sản phẩm của gia cầm, thủy cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc, không vứt xác gia cầm, thủy cầm bừa bãi…
Ngoài ra, mỗi cá nhân, gia đình cần áp dụng một số biện pháp dự phòng cơ bản: vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, tăng cường thể lực bằng tập thể dục hàng ngày và có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Khi có biểu hiện sốt cao, ho, khó thở, đau ngực phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bùi Diệu