Thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ, các cấp, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống BLGĐ bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình vào kế hoạch, chương trình phổ biến giáo dục pháp luật hằng năm của địa phương.
Các cấp, các ngành và các địa phương đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống BLGĐ. Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp làm tốt công tác tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành các văn bản chỉ đạo, phối hợp thành lập thí điểm và nhân rộng các mô hình phòng, chống BLGĐ; các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở giảm thiểu các vụ BLGĐ.
Các cấp ủy đảng, chính quyền xác định công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ là mội nội dung quan trọng, nhiệm vụ thường xuyên, do vậy có nhiều việc làm tích cực xóa bỏ các hủ tục tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình và phòng, chống các tai, tệ nạn xã hội là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ BLGĐ.
Sau 10 năm triển khai Luật phòng, chống BLGĐ người dân đã hiểu rõ thế nào là BLGĐ và tác hại của các vụ BLGĐ và tích cực tham gia phòng, chống BLGĐ. Số nạn nhânbị BLGĐ được khai báo sớm và được can thiệp, tư vấn xử lý kịp thời.
Các địa phương đã thực hiện tốt việc xây dựng đời sống văn hóa, nhân rộng mô hình các gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến không có BLGĐ. Xây dựng gia đình hòa thuận, đoàn kết, tiến bộ, sống có kỷ cương, ứng xử có văn hóa và gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật, thực hiện tốt quy ước, hương ước của địa phương, góp phần giảm số vụ BLGĐ qua các năm.
Thống kê từ năm 2009 đến 2017 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2.023 vụ BLGĐ, gồm: bạo lực về tinh thần 722 vụ, bạo lực về thân thể 994 vụ, bạo lực về tình dục 213 vụ và bạo lực về kinh tế 252 vụ; trong đó có 16 vụ BLGĐ đặc biệt nghiêm trọng phải xử lý hình sự. Nguyên nhân là do việc lạm dụng rượu, bia và các tệ nạn xã hội khác như cờ bạc, ma túy, ngoại tình, ghen tuông, thiếu hiểu biết pháp luật…
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, song công tác phòng, chống BLGĐ trong những năm qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống BLGĐ chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; việc tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ đối với người dân sống ở nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn hạn chế.
Công tác triển khai, xây dựng, nhân rộng các mô hình, phòng, chống BLGĐ còn thiếu đồng bộ. Nội dung sinh hoạt và hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống BLGĐ chất lượng chưa cao.
Việc phát hiện, thống kê, báo cáo, xử lý các hành vi vi phạm BLGĐ có nơi, có lúc chưa kịp thời. Ngoài ra, nguồn lực phụ vụ cho công tác phòng, chống BLGĐ còn hạn chế. Kinh phí hoạt động phòng, chống BLGĐ chủ yếu lồng ghép trong các chương trình, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ, trong thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp. Triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước, của UBND tỉnh về phòng, chống BLGĐ, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội.
Tăng cường và nâng cao công tác hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý cho người dân. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, vận động để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện. Thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành ở các cấp.
Phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi bạo lực; làm tốt công tác hỗ trợ nạn nhân, hòa giải mâu thuẫn trong gia đình. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền phòng, chống BLGĐ, cộng tác viên, hòa giải viên ở cơ sở. Kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động tích cực, sáng tạo ở mỗi cấp, mỗi ngành và khu dân cư trong công tác phòng, chống BLGĐ.
Trần Dũng