Ngày 15-7-2013 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1133/QĐ-TTg về việc phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có đề án "Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2016" (gọi tắt là Đề án 1-1133). Sau thời gian thực hiện đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và nâng cao hiểu biết pháp luật về khiếu nại, tố cáo của cán bộ, công chức và nhân dân, nâng cao hiệu quả quản lý xã hội, hạn chế vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo phong phú, đa dạng, dưới nhiều hình thức như: Trên các phương tiện thông tin đại chúng, cấp phát tài liệu, tờ gấp, thông qua hoạt động tiếp công dân, qua hội nghị báo cáo viên, tọa đàm, đối thoại, hòa giải.... đã tuyên truyền, giải thích, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân và người khiếu nại, tố cáo. Nội dung tuyên truyền đã bám sát thực tiễn của địa phương, đặc điểm của từng nhóm đối tượng tại địa bàn dân cư. Thông qua đó, người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội Đảng các cấp đề ra.
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tiến trình hội nhập, đổi mới và phát triển đất nước, địa phương.
Để tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể, nhất là người đứng đầu phải có nhận thức đầy đủ, quyết tâm chính trị cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phải có trọng tâm, trọng điểm, sát, hợp với từng địa phương, đơn vị, đối tượng. Coi đây là bộ phận không thể tách rời của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Coi việc ứng xử theo pháp luật là nhiệm vụ, đạo đức của mọi người dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác thông tin phổ biến giáo dục pháp luật; biểu dương những đơn vị điển hình, những nhân tố tích cực để nhân rộng. Phát huy lợi thế các hình thức, phổ biến pháp luật qua phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường lồng ghép phổ biến pháp luật với công tác xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước, xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động văn hóa, nghệ thuật...
Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo phải được thực hiện thường xuyên, liên tục dưới nhiều hình thức sinh động, gắn với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Tạo nguồn nhân lực cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại cho hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, bố trí cán bộ có năng lực, tâm huyết làm nhiệm vụ quan trọng này.
Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội trong phổ biến giáo dục pháp luật. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hòa giải cơ sở và Ban Thanh tra nhân dân; đẩy mạnh trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người có công, đối tượng chính sách. Đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức, đảng viên để quần chúng noi theo...
Nguyễn Kim