Theo đó, mục đích yêu cầu đặt ra là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị, hộ gia đình trong công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn (CNCH). Xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng PCCC. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC tại các khu dân cư. Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác PCCC và CNCH. Xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH, chủ động phòng ngừa, hạn chế cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra.
Theo kế hoạch, Công an tỉnh chủ động điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình, đánh giá, phân tích mức độ nguy hiểm cháy nổ của từng khu dân cư để hướng dẫn, áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong nhân dân, quản lý các cơ sở phế liệu, liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ. kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về PCCC.
Đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp PCCC. Tăng cường hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn cho người dân khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra. Phối hợp rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương củng cố, kiện toàn lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng.
Tổ chức tốt lực lượng, phương tiện thường trực để kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố; ngăn chặn không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Phối hợp tham mưu, đề xuất các giải pháp PCCC trong phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng các khu dân cư, chỉnh trang đô thị.
Sở Xây dựng phối hợp thực hiện các quy định thẩm duyệt, thiết kế về PCCC trong quy hoạch xây dựng mới, cải tạo đô thị, khu dân cư.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở PCCC của tỉnh.
Sở Công thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh bán lẻ, tàng trữ, sử dụng các loại chất, hàng có tính chất nguy hiểm cháy nổ cao.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ, hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng cứu người thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.
Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề, xây dựng nội dung, thời lượng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng PCCC, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho cán bộ, giáo viên và học sinh.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý, sử dụng thiết bị hàn cắt kim loại và công tác PCCC rừng. ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tăng cường vận động nhân dân, chấp hành nghiêm các quy định về PCCC. Công ty TNHH MTV Điện lực tỉnh thực hiện tốt việc kiểm tra hệ thống, mạng lưới điện tại các khu dân cư, cụm dân cư; hướng dẫn người dân các biện pháp sử dụng điện an toàn.
UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với khu dân cư. Tập trung lực lượng chữa cháy và CNCH, kịp thời khắc phục hậu quả các vụ cháy xảy ra.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ tại các khu dân cư, loại hình nhà ống mặt phố, nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC, CNCH, kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.
Xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC tại khu dân cư, củng cố, duy trì hoạt động, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng; đảm bảo chế độ phụ cấp, phương tiện, dụng cụ PCCC- CNCH theo quy định.
Đối với khu dân cư có nguy hiểm cháy, nổ cao, phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, các cơ quan, đơn vị liên quan để tổ chức thực tập phương án chữa cháy, CNCH ít nhất mỗi năm một lần. Trong quá trình quy hoạch khu dân cư, quy hoạch chỉnh trang đô thị, quy hoạch giải tỏa phải có biện pháp hạn chế nguy cơ cháy nổ...
PV