Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, tuy chưa xảy ra các vụ cháy lớn, nhưng qua kiểm tra cho thấy, loại hình nhà ống mặt phố, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư công tác PCCC còn nhiều sơ hở, thiếu sót; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn PCCC của các gia đình, chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất chưa cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ. Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã có văn bản số 334/UBND -VP7 gửi các sở, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố để chỉ đạo tăng cường công tác PCCC ở khu dân cư, loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất; các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Chương trình hành động số 02-CTr/TU ngày 1/12/2015 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 15/12/2015 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư.
UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chủ trì hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng công tác PCCC tại các khu dân cư tập trung và tiến hành kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác PCCC đối với người đứng đầu UBND các xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; khảo sát giao thông, nguồn nước nhằm phục vụ kịp thời công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu dân cư theo quy định.
Tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn PCCC tại các khu dân cư, loại hình nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh và hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; đặc biệt là loại hình nhà ống có lồng sắt, những cơ sở kinh doanh có nguy cơ cao về cháy, nổ như hàn, cắt kim loại, kinh doanh ga, xăng dầu…
Từ đó kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về PCCC; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với những trường hợp có nguy cơ trực tiếp dẫn đến cháy, nổ. Phối hợp với cơ quan chức năng báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo di dời các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức tốt công tác thường trực chiến đấu, sẵn sàng cứu chữa kịp thời, hiệu quả mọi vụ cháy, nổ xảy ra; ngăn chặn không để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan Báo, Đài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC; cảnh báo nguy cơ cháy, nổ tại khu dân cư, loại hình nhà ống mặt phố, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; hướng dẫn kiến thức PCCC, kỹ năng thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra.
Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, chỉ đạo lồng ghép, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC vào chương trình học tập ngoại khóa trong nhà trường, các cơ sở giáo dục với nội dung phù hợp từng ngành học, cấp học.
Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường khi xây dựng quy hoạch các khu dân cư tập trung phải gắn với quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông, nguồn nước đảm bảo cho công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về đảm bảo an toàn PCCC, nhất là đối với các loại hình nhà ống mặt phố, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Thường xuyên kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC và thoát nạn đối với các hộ gia đình, các khu dân cư thuộc phạm vi, địa bàn quản lý; xây dựng củng cố, kiện toàn và trang bị dụng cụ, phương tiện PCCC - cứu nạn, cứu hộ và làm tốt công tác tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng tại các xã, phường, thị trấn.
Trần Dũng