Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị trong ngành triển khai các biện pháp chống nắng nóng cho người bệnh đến khám bệnh và bệnh nhân điều trị nội trú. Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế, tại các đơn vị y tế đã triển khai việckê thêm giường cho người bệnh nội trú, hạn chế tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép; tăng thêm ghế ngồi, tăng bàn khám, bàn thu viện phí, bố trí số ghế ngồi chờ, bạt che khu vực khám bệnh, tăng số quạt gió… cho cả khu vực điều trị nội trú và khu khám bệnh. Bên cạnh đó, ngành cũng chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý, tổ chức tiếp đón và nhanh chóng sàng lọc bệnh nhân cấp cứu, giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh.
Các bệnh viện đều bố trí đầy đủ số giường bệnh, thuốc và các trang, thiết bị hồi sức, cấp cứu… để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do nắng nóng bất thường gây ra như: các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, hô hấp, tiêu hóa, cácbệnh ở người cao tuổi và trẻ em, các trường hợp ngộ độc thực phẩm...
Đây cũng là thời điểm các bệnh viện tăng cường giám sát chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như các loại cúm A, các bệnh truyền nhiễm mà đối tượng mắc chủ yếu là trẻ em như tay- chân- miệng, sởi, sốt phát ban...
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Mô, do là thời điểm nắng nóng gay gắt nên số bệnh nhân đến khám và điều trị tăng gấp đôi so với ngày bình thường. Bác sỹ Tô Ngọc Đĩnh, Trưởng khoa Nhi - Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết: Mùa hè nắng nóng nên bệnh nhân nhập viện chủ yếu do mắc các bệnh viêm phế quản, viêm phổi, các bệnh về tiêu hóa, bệnh lây nhiễm như: tay - chân - miệng, sởi…
Do xác định trước về chủng loại bệnh thường gặp trong mùa hè và số lượng bệnh nhân tăng cao so với ngày thường nên Bệnh viện đã có kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nhân lực, thuốc, trang thiết bị để đón tiếp, cấp cứu kịp thời các loại bệnh.
Công tác khám và điều trị cho người bệnh được đẩy mạnh với việc triển khai thực hiện tốt các kỹ thuật theo phân tuyến, đầu tư mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh… Khoa khám bệnh của Bệnh viện đã được lắp đặt hệ thống xếp hàng tự động nên đã giảm bớt áp lực cho thầy thuốc và tạo thuận lợi cho người bệnh...
Bên cạnh đó, với việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Bệnh viện đã điều trị thành công những ca bệnh khó như: cắt cơn hen, chữa viêm phế quản, viêm phổi; cấp cứu, điều trị thành công bệnh nhân bị tai biến mạch máu não; kiểm soát, cấp cứu, điều trị kịp thời các bệnh gặp phải trong thời điểm giao mùa, không để bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên…
Tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, hai khoa Nội nhi 1 và Nội nhi 2 luôn trong tình trạng quá tải bởi lượng bệnh nhi đến khám và điều trị đông. Trung bình mỗi ngày, mỗi khoa tiếp nhận từ 60 - 70 trường hợp trẻ em đến khám và điều trị với các triệu chứng viêm phổi, viêm phế quản, sốt vi rút, tiêu chảy, viêm màng não… số lượng bệnh nhi tăng gấp 3 lần so với ngày bình thường.
Trao đổi với bác sỹ Phạm Văn Yên, Trưởng khoa Nội nhi 2 được biết: Trẻ nhập viện nhiều trong thời điểm này chủ yếu do ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng và do các bậc phụ huynh chăm sóc cho con không đúng cách, chế độ ăn uống ở nhiều gia đình chưa phù hợp như: để máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp, cho trẻ uống nước đá, ăn kem, đi chơi, du lịch ngoài trời khiến trẻ ốm vì sức đề kháng kém. Thậm chí, có trường hợp bệnh nhi mới đến 6 tháng tuổi đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, biến chứng viêm phổi.
Tại Khoa Nội nhi 2, lượng bệnh nhi điều trị lúc nào cũng xấp xỉ 100 cháu, khi cao điểm còn lên đến 120 bệnh nhân. Trong khi số giường bệnh của Khoa là 100 giường nên một số trường hợp bệnh nhi phải nằm ghép...
Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các cán bộ y tế tại các khoa, phòng của Bệnh viện đều quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các bậc phụ huynh có con nhỏ đến khám, chữa bệnh về việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, phòng, chống dịch bệnh cho trẻ.
Các y, bác sỹ đã đến từng buồng bệnh để tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn cho các bà mẹ đang nuôi con nhỏ có thêm kiến thức để thực hiện tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe cho con tại gia đình…
Các bác sỹ khuyến cáo: Cùng với sự chủ động trong công tác khám, chữa bệnh của các đơn vị y tế, mỗi người dân, mỗi gia đình cần có thêm kiến thức, sự hiểu biết nhất định về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, xây dựng nền nếp sinh hoạt, ăn uống của gia đình hợp lý, khoa học nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm sự quá tải cho các bệnh viện khi phải đón tiếp lượng bệnh nhân tăng đột biến.
Phan Hiếu