Chuột hoành hành khắp nơi
Chị Nguyễn Thị Sen (xóm Mới, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) kể: Vụ mùa 2013, gia đình tôi gieo trồng 5 sào lúa, cuối vụ thu được vẻn vẹn 2 tạ vì bị chuột cắn phá. Mặc dù gia đình đã sử dụng nhiều cách để diệt chuột nhưng không hiệu quả. Còn ông Trịnh Văn Bình (xóm Hoàng Long) thì thở dài ngao ngán: "Nông dân chúng tôi đang đau đầu với nạn chuột phá hoại. Trồng lúa hay hoa màu cũng đều bị chuột cắn phá. Vừa gieo hạt đã bị chuột ăn sạch"
Theo Chi cục BVTV tỉnh thì năm 2013 quy mô và mức độ hại do chuột gây ra tăng hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và so với năm trước. Toàn tỉnh có trên 2.000 ha cây trồng các loại bị chuột cắn phá, cao gấp 1,6 lần so với năm 2012. Đáng lo ngại là có đến 327 ha bị mất trắng. Một số huyện chuột gây hại nặng như: thị xã Tam Điệp, Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô, Hoa Lư. Đặc biệt ở vụ mùa năm 2013, 36% diện tích lúa của thị xã Tam Điệp bị mất trắng do chuột gây hại.
Nguyên nhân nào khiến chuột xuất hiện nhiều và cắn phá gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp? Bà Đỗ Thị Thao, Chi cục phó Chi cục BVTV giải thích: Những năm gần đây, khoảng cách về thời gian giữa các vụ sản xuất được rút ngắn nhằm nâng cao hệ số sử dụng đất, vì vậy lượng thức ăn của chuột trên đồng ruộng rất dồi dào đã tạo điều kiện thuận lợi cho quần thể chuột phát triển nhanh. Việc không cày ải và để lúa chét, cỏ dại, nhiều khu công nghiệp, đất chưa sử dụng cũng đã tạo điều kiện về nguồn thức ăn và cư trú của chuột. Trong khi đó một số địa phương thực hiện kế hoạch diệt chuột chưa đồng bộ. Đa số các địa phương trong tỉnh diệt chuột không tập trung, đồng loạt, rộng khắp; có nơi thực hiện sớm, có nơi thực hiện muộn, một số địa phương người dân còn thực hiện tự phát. Việc diệt chuột không đúng quy trình kỹ thuật, không đúng phương pháp như sử dụng thuốc chưa phù hợp, không đặt mồi nhử trước, không sử dụng luân phiên thuốc, đặt bả không đúng chỗ, không theo lối đi của chuột cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc diệt chuột không có hiệu quả. Năm 2013, toàn tỉnh đã diệt được trên 3.423 nghìn con chuột, trong đó biện pháp thủ công là gần 848 nghìn con, biện pháp hóa học là 2.575 nghìn con, thế nhưng nạn chuột không giảm được bao nhiêu vì chúng sinh sôi rất nhanh.
Cộng đồng cùng tham gia diệt chuột
Theo lãnh đạo Chi cục BVTV tỉnh thì để quản lý hiệu quả chuột trên đồng ruộng đòi hỏi phải áp dụng 4 phương châm diệt chuột đó là: diệt chuột sớm ngay từ đầu vụ; diệt chuột thường xuyên, liên tục; diệt chuột bằng nhiều phương pháp và cộng đồng cùng tham gia diệt chuột. Trong đó yếu tố cộng đồng cùng tham gia diệt chuột có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mọi người, mọi nhà cùng thực hiện diệt chuột, có như vậy áp lực mật độ chuột trên đồng mới giảm. Thời gian qua, Chi cục đã triển khai 3 mô hình điểm về cộng đồng quản lý chuột như thế tại 3 xã của 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn. Theo đó, tại mỗi mô hình bà con nông dân được cán bộ kỹ thuật tập huấn, phổ biến những đặc điểm gây hại, khả năng sinh sản, biện pháp quản lý chuột hiệu quả và cùng ra đồng diệt chuột bằng nhiều phương pháp như: đào bắt, hun khói, đặt thuốc…Bước đầu những mô hình này đã đem lại hiệu quả khả quan, tỷ lệ chuột hại giảm mạnh.
HTX nông nghiệp Thống Nhất (xã Gia Vân, huyện Gia Viễn) có 212 ha diện tích trồng lúa, thường xuyên bị chuột phá hoại gây ảnh hưởng tới năng suất. Mặc dù bà con đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng do chuột sinh sản quá nhanh nên diện tích lúa bị phá hoại ngày càng tăng, đặc biệt vụ mùa năm 2013 toàn HTX đã có 10 ha lúa bị mất trắng do chuột hại. Vụ đông xuân 2013-2014 được Chi cục BVTV tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn triển khai mô hình điểm về cộng đồng quản lý chuột, diện tích chuột phá hoại giảm hẳn. Bà Phạm Thị Nga, một xã viên cho biết: Nhà tôi trồng gần 1 mẫu lúa. Vào thời điểm chuột phá dữ dội, sản lượng lúa thu hoạch mất một nửa. Năm nay, nhờ có đội diệt chuột của HTX thường xuyên thăm đồng, diệt chuột chúng tôi rất yên tâm, đợt gieo mạ vừa qua không diện tích nào bị chuột cắn phá. Ông Nguyễn Văn Chanh, Chủ nhiệm HTX Thống Nhất chia sẻ: Ngay từ thời điểm đổ ải, làm đất, HTX đã phát động toàn thể xã viên, bà con nhân dân tham gia đánh bắt chuột bằng các biện pháp thủ công như đào bắt, đặt bẫy, hun khói, bơm nước vào hang. Sau đó ngay khi tiếp nhận hơn 30 kg thuốc Rat - K 2%D từ Chi cục BVTV, HTX đã chủ động mua thêm 20 kg thuốc nữa, đồng thời lên lịch và ngâm ủ gần 2 tấn thóc mầm để làm mồi đánh chuột. Để việc đặt mồi đạt hiệu quả cao nhất, HTX không cấp thuốc về cho nông dân tự bỏ mà trước khi ra quân diệt chuột, HTX chọn, thành lập những tổ chuyên đánh thuốc; tập huấn kỹ càng kỹ thuật đánh thuốc và chọn những địa điểm chuột trú ẩn nhiều để đánh tập trung. Sau cùng, phát động nhân dân kiểm tra đồng ruộng của gia đình, nếu phát hiện còn chuột phá hoại thì HTX mới phát thuốc cho nhân dân tự đặt. Tính từ đầu vụ đến nay HTX đã tiến hành được 5 đợt đánh bắt chuột, nhờ vậy 100% diện tích mạ và lúa vụ đông xuân được đảm bảo an toàn.
Còn tại xã Gia Vượng, để phong trào diệt chuột đạt hiệu quả, Đảng ủy, UBND xã đã yêu cầu tất cả các tổ chức, đoàn thể cùng tham gia diệt chuột, từ đó dấy lên phong trào diệt chuột rộng khắp đến nông dân trong vùng, đánh động đến ý thức, trách nhiệm cộng đồng. Với mục tiêu diệt 9 con chuột trên một đầu sào, đến nay toàn xã đã đánh bắt, tiêu diệt được trên 5 nghìn con chuột. Ông Hà Ngọc Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Vượng phấn khởi cho biết: việc triển khai mô hình cộng đồng diệt chuột đã đem lại kết quả hơn cả sự mong đợi. Nếu như trước đây, ngay từ khâu gieo mạ, chuột đã cắn phá khiến nhiều gia đình phải gieo lại thì nay hiện tượng chuột phá hại giảm đến 90%.
Có thể thấy, những mô hình cộng đồng tham gia diệt chuột bước đầu đã mang lại hiệu quả cao. Từ thành công của những mô hình này, các địa phương khác nên học tập cách làm để nhân ra diện rộng.
Bài, ảnh: Hà Phương