Ô nhiễm môi trường đã lan tràn vào mọi nơi, từ đất, nước đến khí quyển, từ bề mặt đất đến các lớp sâu của đất và đại dương. Bởi vậy, bảo vệ môi trường có ý nghĩa sống còn, vừa là vấn đề cấp bách, vừa là việc làm thường xuyên, lâu dài.
Ở Ninh Bình, công tác bảo vệ môi trường trong những năm qua đã có chuyển biến tích cực, nhận thức về bảo vệ môi trường trong nhân dân từng bước được nâng lên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, do đó mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường đã từng bước được hạn chế, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhận thức về vai trò, trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường của một số người dân và doanh nghiệp còn hạn chế; công tác quy hoạch, quản lý và bảo vệ môi trường ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên; kinh phí đầu tư còn hạn chế, hiệu quả sử dụng chưa cao; việc kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm đôi khi chưa chủ động, kịp thời; việc xử lý rác thải chủ yếu bằng biện pháp thủ công dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Thực tế trên đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, huy động sức mạnh của toàn xã hội cùng tham gia bảo vệ môi trường. Để đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX đã ban hành Nghị quyết số 06 - NQ/TU..... về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết đã nêu ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và 8 giải pháp để bảo vệ môi trường.
Theo đó, cần tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, nhân dân và doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường; tập trung xây dựng các xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn môi trường phù hợp với xây dựng nông thôn mới; nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh; phổ biến, hướng dẫn các kiến thức về môi trường và bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư; khuyến khích các đoàn thể, tổ chức xã hội tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường cho người dân.
Cùng với công tác tuyên truyền, cần tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, áp dụng các biện pháp kinh tế trong quản lý, bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, tăng cường đầu tư kinh phí cho bảo vệ môi trường, mở rộng hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường.
Việc Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về bảo vệ môi trường đã thể hiện sự quan tâm, chú trọng và xác định rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết sẽ góp phần khắc phục suy thoái và nâng cao chất lượng môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, mọi người dân đều được sống trong môi trường đạt tiêu chuẩn quốc gia. Bảo vệ môi trường cũng là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Minh Châu