Theo thống kê, đến hết năm 2016 trên địa bàn tỉnh có 7 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động gồm có: CCN Yên Ninh, CCN Ninh Vân, CCN Ninh Phong, CCN Sơn Lai, CCN Phú Sơn, CCN Mai Sơn và CCN Đồng Hướng. Các CCN trên đã thu hút 167 dự án đầu tư thuộc các ngành nghề sản xuất khác nhau như: sản xuất kim loại, sản xuất cói, chế tác đá, gỗ, chế biến nông sản và các dịch vụ kinh doanh khác.
Các CCN đi vào hoạt động đã có đóng góp tích cực vào việc tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao đời sống cho nhân dân. Nhiều doanh nghiệp trong các CCN đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều công nhân; các CCN phát triển đã đóng góp lớn vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, các CCN hiện nay hầu như chưa có đánh giá, phân tích, định hướng chiến lược phát triển một cách cụ thể. Phần đa các CCN cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nước thải phát sinh chỉ được xử lý đơn giản trước khi thải ra môi trường. Chất thải rắn phát sinh chưa được thu gom, phân loại xử lý theo đúng tiêu chuẩn. Ô nhiễm về nguồn nước, tiếng ồn, bụi và rác thải làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải tập trung rất tốn kém, trong khi đó nguồn lực của doanh nghiệp trong các CCN có hạn, nên hầu hết các doanh nghiệp chỉ mới quan tâm đến xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, chưa quan tâm xử lý môi trường, xử lý chất thải. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được chặt chẽ và thường xuyên.
Bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp là yêu cầu cấp thiết hiện nay, bởi đây chính là cơ sở để phát triển công nghiệp bền vững. Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các CCN, làng nghề cần phải tập trung giải quyết. Từ thực tế trên, các cấp, các ngành và địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường cho mọi người dân.
Các doanh nghiệp, chủ đầu tư sản xuất, kinh doanh phải đặt mục tiêu bảo vệ môi trường song song với việc phát triển bền vững của doanh nghiệp, coi việc giải quyết ô nhiễm môi trường là nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất, kinh doanh; từ đó, nâng cao ý thức của chủ doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường. Có như vậy thì sự phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung mới thật sự bền vững.
Trần Dũng