Theo số liệu thống kê, từ ngày 12-6-2016 đến giữa tháng 7, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ trộm cắp tài sản, trong đó có 9 vụ trộm cắp tại cơ quan, doanh nghiệp và 16 vụ trộm đột nhập nhà dân, tăng 5 vụ so với cùng kỳ tháng trước; có nhiều vụ rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân, tạo tâm lý bất an trong dư luận xã hội. Điển hình là: Đêm 5-7-2016, kẻ gian đột nhập phòng làm việc Trung tâm trợ giúp pháp lý Sở Tư pháp, phường Đông thành, thành phố Ninh Bình trộm cắp 2 máy tính xách tay, trị giá khoảng 7 triệu đồng. Cùng thời gian trên, tại phòng Thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế, phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình cũng bị kẻ gian cậy cửa sổ, bẻ song sắt đột nhập vào trộm cắp 2 bộ máy vi tính và 1 laptop, tổng tài sản trị giá khoảng 18 triệu đồng. Gần đây nhất, đêm 8-7-2016, kẻ gian đột nhập phòng Tài chính kế hoạch, UBND huyện Yên Khánh phá két sắt trộm cắp 40,5 triệu đồng.
Lực lượng Công an các cấp đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác đấu tranh với loại tội phạm trên và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là: Ngày 9-7-2016, Công an thành phố Ninh Bình phá chuyên án trộm cắp tài sản, bắt giữ Đào Duy Tiên sinh năm 1980, ở phường Nam Thành; Trần Quang Trung sinh năm 1982, ở phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình là những đối tượng nghiện ma túy, có nhiều tiền án, tiền sự đã gây ra hàng loạt các vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn thành phố Ninh Bình thời gian qua.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng của tội phạm trộm cắp tài sản trong thời gian qua đó là sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của nhân dân trong việc trông coi, bảo vệ tài sản như: để xe máy khuất tầm nhìn, không khóa cổ, khóa càng; hệ thống cửa của các gia đình khóa bằng các loại khóa không an toàn, thậm chí quên không khóa cửa khi đi ngủ; các cơ quan, doanh nghiệp, trường học lực lượng bảo vệ mỏng, lỏng lẻo hoặc không đủ năng lực quản lý, bảo vệ tài sản, không tổ chức tuần tra canh gác thường xuyên, nhất là vào ban đêm, những lúc thời tiết cực đoan (mưa, giông bão) và dịp nghỉ lễ, Tết; không lắp đặt hệ thống camera giám sát, thiết bị chiếu sáng, tường rào không đảm bảo an toàn...
Qua phân tích các vụ trộm cắp tại nhà dân, cơ quan, doanh nghiệp, trường học trong thời gian qua cho thấy thủ đoạn của tội phạm trộm cắp tài sản chủ yếu là: Trước khi gây án, bọn tội phạm thường đến hiện trường để nghiên cứu, nắm tình hình các phương tiện, thiết bị bảo vệ; quy luật đi lại, sinh hoạt của người nhà, cán bộ, công nhân viên các cơ quan, doanh nghiệp... Từ đó, tìm ra những sơ hở, thiếu sót trong công tác bảo vệ tài sản để gây án. Chúng thường lựa chọn những gia đình khá giả, có nhiều tài sản; khi gây án, chúng cử một hoặc hai đối tượng cảnh giới để đồng bọn phá khóa cửa đột nhập vào nhà lục soát, nếu có két bạc thì chúng sẽ phá két để lấy tài sản. Trường hợp bị phát hiện hoặc chủ nhà về thì chúng tạo lý do như hỏi thăm tìm người quen hoặc hỏi mua hàng để đánh lạc hướng, rồi tìm cách báo cho đồng bọn tìm cách tẩu thoát; thậm chí bọn chúng có thể còn đe dọa hoặc tấn công lại chủ nhà để tẩu thoát.
Để đột nhập vào các cơ quan, công sở, trường học, nhà dân, bọn tội phạm thường dùng kìm cộng lực, búa, khoan, xà cầy để cạy phá cửa; trèo tường, vượt rào, chui qua cửa thông gió, trèo lên ban công đột nhập từ tum xuống; lợi dụng sơ hở của chủ nhà đột nhập và núp sẵn ở một nơi kín đáo chờ cơ hội hoạt động. Thời gian gây án chủ yếu là vào ban đêm từ 1h đến 5h sáng khi người nhà, lực lượng bảo vệ ngủ say.
Để phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản, đề nghị người dân và các cơ quan, doanh nghiệp, trường học thực hiện tốt các biện pháp sau:
Một là: Cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động tự quản lý, bảo vệ tài sản của mình. Xe máy không để nơi khuất tầm nhìn và phải khóa cổ, khóa càng khi không sử dụng; nếu có điều kiện thì lắp đặt các thiết bị chống trộm, thiết bị định vị. Các hộ gia đình cần gia cố cửa chính, cửa sổ, cửa tum, cửa ban công đảm bảo chắc chắn, khóa bằng các loại khóa an toàn. Trước khi đi ngủ phải kiểm tra kỹ các cửa; khi đi vắng qua đêm hoặc lâu ngày phải nhờ người trông coi.
Hai là: Các cơ quan, doanh nghiệp, trường học phải bố trí lực lượng bảo vệ chuyên trách, có đủ sức khỏe, năng lực hoàn thành nhiệm vụ; trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, tổ chức tuần tra, canh gác thường xuyên, giám sát chặt chẽ khách ra vào cơ quan. Nên lắp đặt hệ thống an ninh như: camera giám sát, thiết bị báo động. Thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm trộm cắp cho cán bộ, công chức biết để nâng cao ý thức phòng ngừa; yêu cầu cán bộ, công chức không để tiền, tài sản có giá trị trong tủ đựng tài liệu, ngăn bàn làm việc, nêu cao trách nhiệm bảo vệ tài sản của mình và của cơ quan. Đối với những phòng có nhiều tài sản như thủ quỹ, kế toán cần gia cố hệ thống cửa an toàn và lắp đặt hệ thống chống trộm cho két sắt.
Ba là: UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình, phòng, chống tội phạm tại cơ sở. Chỉ đạo lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố, lực lượng dân phòng... tăng cường tuần tra kiểm soát để phòng ngừa và kịp thời phát hiện, bắt giữ đối tượng trộm cắp; đặt các biển cảnh báo nơi công cộng, nơi thường xuyên xảy ra trộm cắp để nhân dân biết, nâng cao cảnh giác.
Bốn là: Cán bộ và nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm. Khi phát hiện các thông tin về đối tượng trộm cắp, đối tượng tiêu thụ tài sản trộm cắp thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc báo về số máy 069 2860 319; 069 2860 398 để xử lý.
Đại tá Đinh Hoàng Dũng
Giám đốc Công an tỉnh