Mặc dù mới bắt đầu vào năm học mới nhưng không khó để bắt gặp cảnh học sinh chen nhau lưu thông lộn xộn trước cổng trường sau giờ tan học. Thực trạng này xảy ra đã từ lâu nhưng chưa ngăn chặn được. Bởi khi tan trường là thời điểm tập trung một lượng học sinh đông, trong khi phần nhiều các trường học đều nằm trên các tuyến đường trục chính, lượng người và phương tiện thường lưu thông đông, không gian cổng trường lại không đủ rộng.
Thêm vào đó là ý thức tự giác chấp hành trật tự ATGT của học sinh vẫn còn hạn chế; nhiều học sinh trên đường đi lại dàn hàng hai, hàng ba tranh thủ trò chuyện, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe đạp điện, quên cả sự nguy hiểm đối với mình và gây ách tắc giao thông trên đường phố. Không ít những vụ tai nạn giao thông thương tâm đã xảy ra đối với học sinh, khiến những ước mơ của các em và niềm hy vọng của gia đình trở nên dang dở.
Tháng 9 được chọn là tháng cao điểm an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh đến trường với mục tiêu nâng cao ý thức, văn hóa của các em trong việc chấp hành quy định pháp luật về ATGT, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, lực lượng cảnh sát giao thông trong toàn tỉnh đã tích cực phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và các quy tắc tham gia giao thông cho học sinh; tổ chức lồng ghép nội dung giáo dục ATGT, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho học sinh vào các buổi ngoại khóa và trong các tiết học, các buổi chào cờ.
Phối hợp với các nhà trường tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, không điều khiển xe máy, xe gắn máy khi chưa đủ độ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định. Đồng thời, tổ chức tuần tra kiểm soát, nhất là tại các khu vực trường học và tập trung xử lý đối tượng là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật khi tham giao giao thông; cùng với đó thường xuyên thực hiện các đợt cao điểm, chuyên đề về xử lý vi phạm mũ bảo hiểm, xe đạp điện, xe máy điện vi phạm luật ATGT.
Đối với các học sinh, sinh viên vi phạm, sau khi tuyên truyền, giải thích, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý nghiêm và gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý. Từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông công an trong tỉnh đã nhắc nhở trên 700 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm, phạt tiền trên 400 trường hợp, gửi 460 thông báo vi phạm về gia đình, nhà trường để có biện pháp giáo dục, xử lý.
Các lỗi học sinh vi phạm giao thông chủ yếu là: đi sai phần đường, làn đường, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, đi xe máy khi chưa đủ tuổi, đội mũ bảo hiểm không cài quai... Nhằm hạn chế tình trạng học sinh vi phạm Luật giao thông đường bộ, cùng với lực lượng công an, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực duy trì thực hiện mô hình "trường học an toàn".
Tăng cường lồng ghép các kiến thức giáo dục ý thức chấp hành, giữ gìn trật tự ATGT cho học sinh; xây dựng tủ sách pháp luật, cấp phát nhiều tài liệu, thông tin liên quan đến ATGT cho học sinh, sinh viên; tổ chức cho học sinh và giáo viên ký cam kết không vi phạm và thực hiện tốt các quy định về ATGT như: không đi bộ trong lòng đường, không vi phạm quy định sử dụng mô-tô, xe máy, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện; không đi xe đạp hàng hai, hàng ba, không chơi đùa, chạy nhảy trong lòng đường, không tham gia đua xe trái phép. Các trường học coi việc chấp hành giao thông là một tiêu chí đánh giá thi đua, xếp loại của học sinh, sinh viên...
Với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, do vậy tình hình đảm bảo TTATGT đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, hầu như các học sinh, sinh viên đã có ý thức tự giác đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, xét cho cùng để thực hiện có hiệu quả ATGT học đường một cách bền vững, giảm thiểu tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm trật tự ATGT, quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để hình thành cho các em ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông để tự giác chấp hành, tạo cho các em có thói quen, ý thức bền vững tuân thủ Luật giao thông đường bộ. Và để làm được điều này, ngoài lực lượng Công an, nhà trường thì quan trọng nhất vẫn là sự quản lý, giáo dục của gia đình, các bậc cha, mẹ cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của con em mình.
Ân Nghĩa