Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội là sự hình thành của hàng loạt các khu công nghiệp, các khu đô thị, nhu cầu cấp nước, mức độ khai thác tài nguyên nước cũng gia tăng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, việc khai thác sử dụng tài nguyên nước thiếu quy hoạch đã và đang tạo nên những mâu thuẫn và cạnh tranh của các ngành khai thác sử dụng nguồn nước như nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, thủy lợi; du lịch, dịch vụ, nước sinh hoạt... làm ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng nước trên địa bàn.
Mặt khác, tình trạng ô nhiễm nguồn nước do tác động từ hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, từ các khu cơ sở sản xuất công nghiệp, từ làng nghề và từ nước thải sinh hoạt cũng làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nước.
Nước có vai trò hết sức quan trọng trong sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt, trước sự biến đổi bất thường của khí hậu toàn cầu, tình trạng hạn hán, thiếu nước xảy ra nghiêm trọng ở rất nhiều nơi cả trên thế giới và trong nước, việc tăng cường bảo vệ tài nguyên nước mặt được đặt ra hết sức cấp thiết.
Vừa qua tỉnh ta đã xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2025, định hướng đến năm 2035 với nội dung là phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt.
Mục tiêu của Quy hoạch là nhằm phân bổ hài hòa, hợp lý nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh cho các đối tượng sử dụng nước; hạn chế đến mức thấp nhất các mâu thuẫn trong sử dụng nước của các đối tượng. Phòng, chống ô nhiễm, suy thoái nguồn nước mặt, bảo đảm chất lượng nước đáp ứng yêu cầu cho các mục đích sử dụng nước đối với từng nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định mục tiêu chất lượng nước theo các mục đích sử dụng nước cho từng đoạn sông quan trọng, sông liên tỉnh, gồm các sông: sông Đáy, sông Bôi, sông Lạng, sông Hoàng Long, sông Vạc, sông Chim, sông Sào Khê, sông Chanh, sông Bến Đang, sông Mới, sông Bút, sông Hệ, sông Ân...
Việc phân bổ nguồn nước mặt phải bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt và đáp ứng nhu cầu nước của phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, trong đó nước cho nông nghiệp bảo đảm 85% nước cho sinh hoạt mức bảo đảm là 100%, cho công nghiệp mức bảo đảm 95%.
Để bảo vệ nguồn tài nguyên nước mặt, trong giai đoạn 2015-2020 chỉ tiêu đặt ra cho tỉnh ta là phải thu gom xử lý đạt quy chuẩn môi trường với 60% nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung; 90% với nước thải bệnh viện tuyến huyện trở lên; 75% các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã và đang hoạt động; 100% đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xây mới; đối với ngành nông nghiệp nghiên cứu áp dụng các ứng dụng sản xuất sạch.
Để thực hiện các chỉ tiêu đặt ra, phải tiến hành xây dựng các trạm bơm và cống điều tiết nước; cải tạo, nâng cấp các hồ: Yên Đồng (Yên Mô), Thường Xung, Đập Trời, Đá Lải (Nho Quan), hồ Mang Cá, hồ Mừng (thành phố Tam Điệp); cải tạo, nâng cấp, làm mới cống điều tiết, Âu Vân, Âu Mới lấy nước từ sông Đáy, Âu Chanh lấy nước từ sông Hoàng Long; xây dựng công trình Âu Kim Đài trên sông Vạc có nhiệm vụ ngăn mặn, lấy ngọt bổ sung cho vùng Nam Ninh Bình, đồng thời vẫn phải bảo đảm yêu cầu thoát lũ về mùa mưa và môi trường nước về mùa kiệt.
Về việc thoát nước và xử lý nước thải, phải xây dựng hệ thống công trình bảo vệ nguồn nước mặt: Đối với các đô thị loại III trở lên đang sử dụng mạng lưới thoát nước chung, cần xây dựng hệ thống thoát nước hỗn hợp trên cơ sở mạng lưới thoát nước chung đã có và xây dựng mới mạng lưới thu gom nước thải (cống bao, giếng tách) để đưa nước thải về nhà máy xử lý tập trung của từng lưu vực.
Các đô thị mới, đô thị loại IV, loại V từng bước xây dựng hệ thống thoát nước riêng cho nước mưa và nước thải. Nước thải được thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung. Xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tại các đô thị phù hợp với quy mô và tính chất của đô thị.
Đối với các khu công nghiệp, có hệ thống thoát nước riêng, thu gom xử lý tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả thải ra hệ thống sông trong khu vực.
Đối với khu dân cư nông thôn, các khu dân cư sống tập trung theo cụm, do lượng nước thải ít, tùy theo địa hình mà bố trí hồ sinh học để xử lý nước thải; các khu dân cư tập trung theo tuyến, nước thải được xử lý theo từng hộ gia đình hoặc nhóm hộ (xây bể tự hoại, hầm biogas...) thải ra mương, cống thoát nước. Kiềm soát chất lượng nước khu vực sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học trong nông nghiệp.
Đối với các làng nghề, nước thải phải được thu gom xử lý cục bộ trước khi thải ra môi trường hoặc hệ thống thoát nước đô thị.
Đỗ Bằng