Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn đa dạng sinh học mà đặc biệt là bảo vệ, gìn giữ động, thực vật quý hiếm, thời gian qua, Ninh Bình đã triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ động, thực vật quý hiếm. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân sống gần các khu rừng, khu bảo tồn để họ tích cực tham gia bảo vệ động, thực vật quý hiếm; không săn, bắt, bẫy các loài ĐVHD quý hiếm; không làm ô nhiễm hoặc phá hủy môi trường sống của chúng. Các cơ quan chức năng cũng thực hiện nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD.
Bên cạnh đó, việc quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm. Toàn tỉnh có khoảng 16 nghìn ha rừng đang được bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh và trồng mới. Các khu rừng nguyên sinh, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển trên địa bàn tỉnh được gìn giữ và phát triển ngày càng trù phú tạo sinh cảnh tốt nhất cho các loài động vật sinh trưởng và phát triển. Tỉnh cũng đã tạo điều kiện và phối hợp tốt với các đơn vị như Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm, chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê, chương trình bảo tồn rùa, trang trại bảo tồn gấu Ninh Bình….để nghiên cứu, cứu hộ, bảo tồn ĐVHD trên địa bàn.
Đặc biệt là mới đây với sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các ngành chức năng, lực lượng kiểm lâm đã thuyết phục được 2 hộ gia đình bàn giao 5 cá thể gấu nuôi nhốt đến Trang trại gấu Ninh Bình, chấm dứt hoàn toàn nạn nuôi gấu lấy mật trái phép trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả trên, có một thực tế mà chúng ta không thể phủ nhận là tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ĐVHD, quý hiếm hiện nay vẫn diễn ra phức tạp. Theo thông tin từ Công an tỉnh, hoạt động tàng trữ, vận chuyển ĐVHD, quý hiếm chủ yếu diễn ra trên khâu lưu thông đường bộ, đường sắt với phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện.
Để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng, các đối tượng phạm tội thường hoạt động liên tỉnh, liên tuyến; thường xuyên thay đổi về thời gian, phương tiện; thuê người vận chuyển trên xe ô tô khách, trên tàu hỏa, cất giấu trong hành lý, tạo hầm hốc ngụy trang; một số trường hợp sử dụng xe hợp đồng chở khách mang biển số Lào hoặc sử dụng xe ô tô cá nhân mang biển số giả của lực lượng Công an, Quân đội để vận chuyển động vật với số lượng lớn từ các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh miền Trung đi qua địa bàn Ninh Bình.
Thông qua công tác đấu tranh, từ năm 2013 đến nay lực lượng Công an tỉnh đã trực tiếp phát hiện, xử lý 20 vụ vi phạm, trong đó khởi tố 13 vụ, 20 bị can; bắt giữ, xử lý hành chính 7 vụ, 6 đối tượng về hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ĐVHD quý hiếm.
Tang vật thu giữ gồm 47 cá thể rắn hổ mang chúa, 206 cá thể tê tê Java, 2 cá thể hổ, 1 báo lửa, 49 kg các bộ phận cá thể Sơn Dương, 4 kg vẩy tê tê, 22 chi gấu, 102 cá thể rùa đầu to, 1 cá thể rùa viền, 572 cá thể chim hoang dã các loại, 45,3 kg cầy hương, 109,6 kg rắn các loại.
Đặc biệt, tháng 10/2017, Công an huyện Gia Viễn đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Hoa Lư - Gia Viễn kiểm tra, phát hiện ôtô khách mang BKS UN 299 (biển số nước Lào) đang vận chuyển lượng lớn cá thể tê tê, rùa đầu to, báo lửa, tay gấu…
Kiểm đếm trên xe, cơ quan chức năng thống kê có tới 69 cá thể rùa đầu to (trọng lượng 32,5kg); 32 cá thể tê tê (trọng lượng 128kg); 5kg vẩy tê tê; 1 cá thể báo lửa (đã chết, trọng lượng 12kg); 22 tay gấu có trọng lượng 50kg; 30kg pháo cây và 1,471m3 gỗ hương. Lái xe Trần Văn Minh (trú xã Lạc Vân, huyện Nho Quan) khai nhận, chở số hàng trên cho 4 người từ Luông-pha-băng (Lào) về tỉnh Nghệ An tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Các vụ vi phạm về ĐVHD trên địa bàn Ninh Bình nhìn chung đều được xử lý nghiêm và các tang vật là các loài ĐVHD thường được cứu hộ kịp thời, đem lại cơ hội sống sót tốt.
Thời gian tới, để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ĐVHD thật sự hiệu quả rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng xã hội. Trong đó có việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân không sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD để bảo vệ hiệu quả các loài động vật quý hiếm đang ngày càng cạn kiệt.
Đặc biệt là tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong việc bảo vệ, bảo tồn ĐVHD, quý hiếm. Tăng cường năng lực cho cơ quan thực thi pháp luật, triển khai chương trình tập huấn cung cấp các thiết bị cần thiết, xây dựng và phát triển mạng lưới cung cấp thông tin, lưu giữ số liệu. Tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động gây nuôi động vật hoang dã.
Ngoài ra cần có sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đơn vị nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học trong việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD trên địa bàn.
Bài, ảnh: Minh Đường