Chỉ với chiều dài hơn 21 km, nhưng đường sắt lại chạy qua thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp có các khu đông dân cư và gần quốc lộ 1A, nên có đến 20 đường ngang hợp pháp và 23 lối đi dân sinh qua đường sắt. Có thể nói, mật độ giao cắt với đường sắt như vậy là quá dầy, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn, gây mất an toàn giao thông đường sắt. Trong những năm qua, đã có các vụ tai nạn đường sắt xảy ra.
Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, đã có 3 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 3 người, trong đó năm 2015 có 2 vụ, năm 2016 có 1 vụ và trong 3 tháng đầu năm 2017, không xảy ra vụ nào.
Nhìn vào số liệu trên có thể thấy, tai nạn giao thông đường sắt trong những năm qua ở tỉnh ta liên tục giảm. Có được kết quả đó là do ngành giao thông vận tải, chính quyền địa phương (nơi có đường sắt chạy qua) thường xuyên phối hợp với các đơn vị quản lý đường sắt triển khai nhiều công việc nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu như: giải tỏa tầm nhìn tại các đường ngang, hành lang an toàn giao thông đường sắt; cải tạo, nâng cấp hình thức phòng vệ đường ngang, cắm biển chú ý tàu hỏa tại nhiều lối đi dân sinh; tập huấn nghiệp vụ, bố trí người cảnh giới an toàn giao thông đường sắt tại nhiều điểm giao cắt; xây dựng chòi cảnh giới, lắp đặt điện thoại báo tàu; cung cấp trang thiết bị cho người được địa phương cử ra làm cảnh giới; kết nối tín hiệu đường bộ và đường sắt tại một đường ngang, thu hẹp lối đi dân sinh ở 13 điểm; tổ chức cảnh giới tại 7 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có nguy cơ tai nạn giao thông cao ở thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp và huyện Hoa Lư.
Công an tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, công văn, điện về tăng cường các giải pháp phòng ngừa tai nạn giao thông và đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.
Lực lượng cảnh sát giao thông công an tỉnh và công an các huyện, thành phố có tuyến đường sắt đi qua đã bố trí cán bộ, chiến sỹ tham gia các tiểu ban an ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt theo quy chế phối hợp với ngành đường sắt, đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường sắt của người và phương tiện tham gia giao thông tại các đường ngang, cầu đường sắt, nhà ga và hành lang an toàn giao thông đường sắt; việc dừng, đỗ xe trong phạm vi an toàn giao thông đường sắt….
Phối hợp với ngành đường sắt và các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật các công trình và thiết bị đường sắt; khảo sát, xác định các đường ngang, các điểm giao cắt có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt để thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cảnh báo cho người và phương tiện qua đường sắt.
Đồng thời thông báo cho cấp có thẩm quyền và chính quyền địa phương giải quyết kịp thời, không để xảy ra tình trạng tự mở đường ngang trái phép.
Trong những năm qua, lực lượng công an đã rà soát, kiến nghị khắc phục 36 đường ngang dân sinh, phát hiện xử lý nhiều trường hợp vi phạm về dừng, đỗ trong đường ngang, góp phần hạn chế tại nạn giao thông đường sắt.
Bên cạnh những nỗ lực của các ngành, các cấp thì việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cũng đã góp phần đáng kể làm giảm số vụ tai nạn giao thông đường sắt. ở thành phố Ninh Bình, có cầu vượt đường sắt Quốc lộ 10, cầu vượt đi vào phường Ninh Phong; tôn cao, xây dựng tuyến đường sắt và di dời nhà ga Ninh Bình đến địa điểm mới tránh xung đột giao thông với một số tuyến đường.
Thành phố Tam Điệp được xây dựng cầu vượt đường sắt trên Quốc lộ 1A; xây dựng nhiều barie, trạm gác, chắn tàu, đèn báo ở những điểm giao cắt. Huyện Hoa Lư và Yên Mô cũng đã xây dựng được nhiều chốt gác, biển báo…góp phần kiềm chế tai nạn giao thông về đường sắt trên địa bàn tỉnh ta.
Tuy vậy, với mật độ giao cắt giữa đường sắt với đường bộ và đường ngang dân sinh dầy, cùng với ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, đang là nguy cơ lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh ta.
Để tiếp tục kiềm chế tai nạn giao thông về đường sắt, đòi hỏi các ngành chức năng cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương (nơi có đường sắt đi qua) cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật đường sắt và Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 02/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt. Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các công trình hạ tầng giao thông đường sắt và không để phát sinh thêm đường ngang trái phép.
Thường xuyên kiểm tra, giải tỏa các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, đồng thời duy trì lực lượng ở các chốt gác canh, trực… để cho những chuyến tàu ra bắc vào nam được an toàn khi đi trên đất Ninh Bình.
Nguyễn Đông