Sỏi đá vô tình! Tôi không biết có một lữ khách sầu bi nào đó trong giây phút cảm khái của đời mình đã thốt lên như vậy, nhưng kẻ làm nghề viết ngờ rằng phàm là những tạo vật trên đời khi hóa công đã sinh ra thì đều mang trên mình một số phận. Ví như đá núi Ninh Bình dẫu sinh ra tự ngàn vạn năm trong thế giới kỷ hà, muôn đời câm nín nhưng nó vẫn mang trong mình những câu chuyện huyền thoại. Huyền thoại về người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh có trí hơn đời, biết lựa hình sông thế núi mà xây thành đắp lũy, nương vào đó mà dụng binh, nhờ đó mà lập nên đế nghiệp. Yếu tố "địa lợi" mà Đinh Đế biết tận dụng chính là tòa thành đá thiên nhiên hùng vĩ, ông đã biến nó thành nơi hiểm địa mà tranh cường với các sứ quân. Hàng ngàn năm sau dấu tích cơ nghiệp Cồ Việt Quốc mà nhà Đinh để lại vẫn còn là niềm tự hào của người dân nước Việt. Vẫn còn đó Động Am Tiên, nơi Dương Thái Hậu xuất cung ẩn thân những năm cuối đời. Hẳn nơi thạch động ấy, những bài thơ lưu trên tường ngôi cổ tự nương bóng núi ấy không thể nào thấu hết nỗi niềm của bậc nữ lưu từng là hoàng hậu của hai vua, cũng vì thế nước trong cơn bĩ cực mà biết bỏ tình riêng, trao long bào cho viên bộ tướng họ Lê (Lê Đại Hành). Người về sau có công "phá Tống, bình Chiêm" nối dài thêm công nghiệp nhà Đinh cũng chính Đại Hành Hoàng đế trong khoảng thời gian chấp chính ngắn ngủi của mình cũng đã kịp lưu danh với việc đã cho tạc pho thạch kinh. Cột đá tạc kinh Lăng Nghiêm là minh chứng cho sự vĩnh cửu của các tín niệm về thiện, chân. Những điều phật pháp giáo hóa gửi chúng sinh đã khiến thạch kinh hóa một món pháp bảo, thành linh khí hộ quốc an dân của kinh thành Hoa Lư tới ngàn vạn năm sau.
Nhưng câu chuyện về đá Ninh Bình không chỉ có những huyền thoại. Lẩn khuất đâu đó trong những dòng bi ký vẫn là câu chuyện về thế thái nhân tình với đầy đủ những hỷ, nộ, ái, ố với tất cả những tham, sân, si của người đời. Chẳng thế mà thắng tích Non Nước với phong cảnh hữu tình sóng vỗ đầu non, mây vờn bóng núi còn lưu giữ rất nhiều bút tích của các bậc tài danh như Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi nhưng có cả vết chân ô nhục của Tuần phủ Từ Đạm còn lưu trên vách đá, người đời sau vì đó mà làm thơ dè bỉu. Ai biết câu chuyện trên mới thấy "khen cho đá cũng bền gan thật"(Tản Đà) những câu chuyện mà thế nhân gửi vào những phiến sa thạch mang bao nhiêu ưu tư nặng trĩu của người đời, chỉ có đá núi bền gan, nhẫn nhịn ôm vào lòng nó. Đá núi im lặng, song không phải là sự câm nín mà là thứ mật ngữ vô ngôn vô cùng huyền diệu. Chẳng thế mà nhiều bậc danh sỹ xưa những khi lánh đời, bỏ đục tìm trong, giữ gìn khí tiết vẫn thường chọn chốn hang động, non cao làm nơi quy ẩn. Động Hoa Lư nơi Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị chọn làm nơi ẩn cư những năm cuối đời khi chí lớn không thành lại là một câu chuyện nữa về duyên phận của đá Ninh Bình với những bậc hiền nhân. Vì sao ông Hoàng Tam Đăng không chọn nơi nào khác mà chọn một thạch động Hoa Lư làm nơi quy ẩn luôn là một câu hỏi day dứt người đời? Phải chăng vị "Liên Hoa động chủ" kẻ tài học hơn đời kia dư biết Hoa Lư động ắt là nơi linh khí hội tụ, chỉ miền non thiêng ấy mới xứng là nơi bậc hiền minh như ông chọn làm nơi quy ẩn, di dưỡng thiên đạo giữa thì gió mưa của lịch sử.
Đá Ninh Bình không chỉ chứa đựng trong nó những huyền sử, mà ở một phía khác đá Ninh Bình cũng là chứng nhân cho sức sáng tạo mãnh liệt của bàn tay, khối óc con người Ninh Bình. Là người Ninh Bình không ai không tự hào khi quê hương có làng nghề đá Ninh Vân nổi tiếng. Những người thợ khéo tay đã tạo tác nên bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật. Từ nét hoa văn độc đáo nơi đền Thái Vi hay nét kiến trúc tuyệt mỹ của Nhà thờ đá Phát Diệm. Với những kỹ thuật tạo tác đá này, người Ninh Bình chứng tỏ sự khéo léo, sức sáng tạo bền bỉ, mối duyên với nghề đá. Ngày nay sản phẩm đá Ninh Bình có mặt khắp nơi từ đình, chùa, miếu mạo đến tư gia. Nghề chạm khắc đá không chỉ nuôi sống người thợ mà còn làm giàu cho mảnh đất Ninh Bình. Mỗi sản phẩm đá không chỉ là một món hàng thủ công mỹ nghệ mà hơn thế nó mang hơi thở, tâm hồn, khát vọng của người Ninh Bình gửi đến muôn nơi.
Ai đó đã nói sỏi đá vô tri nhưng sự trường tồn của đá, của núi trước sức tàn phá của thời gian đã là minh chứng cho sự không khuất phục, không cam chịu trước vòng xoay của tạo hóa. Ai đó đã một lần đến với danh thắng Tràng An, cảm nhận hết sức quyến rũ, nên thơ của nó mới thấy hết hóa công đã chẳng vô tình khi đã ban tặng cho Ninh Bình một báu vật thiên nhiên giàu mỹ cảm đến vậy. Những hang động Tràng An chẳng những không mang vẻ hoang vắng, lạnh lẽo, giá băng của sa thạch mà còn gợi bao nhiêu xúc cảm trong lòng mỗi du khách. ở thời hiện đại khi mà nhiều người dường như đã quá chai lỳ cảm xúc trước những điều mới lạ vậy mà khi đến Ninh Bình vẻ nguyên thủy, ban sơ của núi đá hang động Tràng An vẫn khiến họ ngỡ ngàng. Thế mới biết tại sao hàng mấy trăm năm trước nhiều bậc hiền nhân khi đến đất này đã tức cảnh đề thơ trên vách đá. Những dòng thủ bút tài hoa mà các tao nhân gửi vào những phiến cẩm thạch kia là những minh chứng mà lớp người xưa nhắn gửi cùng mai hậu rằng từ ngàn xưa Ninh Bình vốn đã là miền linh địa, mà đá núi chính là thứ hương hỏa truyền thừa cho mạch đất này.
Mai Phương