Tản Đà thực sự thấy bức xúc cho những kẻ học đòi thơ phú, là quan đứng đầu hàng tỉnh nhưng không quan tâm gì đến cảnh sống lầm than, đói khổ của dân chúng "Lầm than bận kệ ai". Ngẫu hứng và bức xúc trước phong cảnh Bồng lai nơi đây, ông bèn làm một bài thơ châm biếm quan Tuần phủ và cho khắc đá bài thơ của mình ngay bên cạnh tấm bia của Từ Đạm. Bài thơ khắc trên vách núi không có đầu đề, nhưng khi Tản Đà đăng lần đầu tiên trên "An Nam tạp chí" do chính mình làm chủ bút, được đặt tên là "Nhắn Từ Đạm" (Tạp chí An Nam, số 1, ngày 1 tháng 7 năm 1926). Tản Đà người làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (Nay là xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội), tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu, bút danh Tản Đà là ghép hai địa danh nổi tiếng ở quê hương mình là núi Tản và sông Đà.
Trong văn đàn đầu thế kỷ XX, ông nổi danh như một ngôi sao sáng, tiên phong cho sự ra đời của Thơ mới. Khái luận về vấn đề này, nhà thơ Xuân Diệu đã viết "Tản Đà là người thi sỹ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sỹ, đã làm thi sỹ một cách đường hoàng bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám giữ một cái "tôi" và một cái "ngông" đậm cá tính (Xuân Diệu "Công của thi sỹ Tản Đà" - Tuần báo "Ngày nay", số ra ngày 17/6/1939). Trong cuộc đời thi phú của mình, Tản Đà từng làm chủ bút Tạp chí Hữu Thanh, An Nam tạp chí... với những dòng thơ lãng mạn và ý tưởng "ngông" đậm đà cá tính văn chương, vừa độc đáo, vừa dồi dào bút lực sáng tác.
Tản Đà đã để lại một di cảo văn học khá đồ sộ, bao gồm "Khối tình con 1, 2 và 3", "Giấc mộng con 1 và 2", "Giấc mộng lớn", "Tản Đà xuân sắc", "Thề non nước"... và nhiều tác phẩm văn xuôi, kịch và dịch thuật thơ Đường.
Tấm bia chạm khắc bài thơ "Nhắn Từ Đạm" nằm trong cụm bia phía Đông Nam trên đỉnh của núi Dục Thúy, cạnh bia của Từ Đạm, nhưng ở vị trí cao hơn. Bia có hình chữ nhật nằm ngang, với kích cỡ 69 x 46 cm, mặt bia quay về hướng Đông Bắc.
Để tạo mặt bằng khắc chữ trên một phiến đá, những người thợ đã phải đục đẽo vào thớ đá chỗ sâu nhất 15 cm, chỗ nông nhất 3 cm, sau khi để đường diềm bia rộng 3 cm, tiếp đến chạm sâu thêm 1 cm nữa để khắc chữ. Bài thơ tứ tuyệt Quốc ngữ, chạm khắc kiểu chữ in không có chân, mặt bia nằm nghiêng 35 độ lên phía trời xanh so với mặt phẳng đứng của vách đá, vì vậy luôn bị tác động trực tiếp của mưa nắng.
Hiện tại phần nội dung bài thơ vẫn còn rõ nét, nhưng phần lạc khoản do nét khắc đá nhỏ hơn, nông hơn và đúng vào vị trí tầm với tay của du khách tham quan, nên đã bị mài mòn rất khó đọc. Căn cứ thực bia đang hiện hữu trên vách đá núi Dục Thúy, xin chép lại như sau:
Năm ngoái năm kia đục mấy vần.
Năm nay quan lại đục hai chân.
Khen thay đá cũng bền gan thật,
Đứng mãi cho quan đục mấy lần.
Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu
Vì lạc khoản trên mặt bia chỉ chạm khắc tên của tác giả (Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu), không đề thời điểm chế tác vào niên hiệu của vị vua nào trị vì đất nước, nên không thể xác định được niên đại tạo lập bia. Tuy nhiên, căn cứ vào tấm bia khắc bài thơ "Trăng gió vui cùng hắn" của Từ Đạm, với dòng lạc khoản đề năm 1919 và thời điểm in ấn bài thơ châm biếm quan Tuần phủ của thi sỹ Tản Đà (bài thơ trên đây) đã đăng tải trên "An Nam tạp chí" số 1, ra ngày 1 tháng 7 năm 1926.
Như vậy, chúng ta có thể tạm xác định niên đại tấm bia trên của Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu được chạm khắc vào giai đoạn sau năm 1919 đến trước tháng 7/1926.
Mặt khác, đọc nội dung bài thơ, có câu "Năm ngoái năm kia đục mấy vần/ Năm nay quan lại đục hai chân", tuy xét về mặt thời gian, thời điểm viết trong nội dung bài thơ trên chỉ mang tính ước lệ, nhưng ta có thể tạm "chiết tự" là "năm ngoái" tức là năm 1919 (Năm Từ Đạm khắc bài thơ "Trăng gió vui cùng hắn"), "năm kia" tức là năm 1918 (Năm Từ Đạm khắc bài thơ chữ Hán "Phong nguyệt nhĩ câu thích"), "Năm nay quan lại đục hai chân", như vậy ta có thể gián tiếp hiểu là tấm bia của Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiều được chạm khắc vào năm 1920 (Cùng năm Từ Đạm đục lốt bàn chân của mình trên đỉnh núi).
Đồng thời, đọc tấm bia chữ Hán "Cúc Nhân đoàn tọa" của Từ Đạm (Hiện cách tấm bia của Tản Đà khoảng 3 mét về phia Bắc): Nội dung lạc khoản khắc "Khải Định lục niên cửu nguyệt nhị thập bát nhật bái biệt Thúy Sơn thăng lỵ Hải Dương, Từ Đạm" (Nghĩa là: Nơi Cúc Nhân ngồi xếp chân bằng tròn, ngày 28 tháng 9, đời vua Khải Định năm thứ 6 (1921) bái biệt núi Dục Thúy đi (nhậm chức) ở tỉnh Hải Dương - Từ Đạm). Qua nội dung phần lạc khoản ta biết được Từ Đạm đã ngồi xếp chân bằng tròn bái biệt núi Dục Thúy để đi nhậm chức mới ở tỉnh Hải Dương vào ngày 28/9/1921.
Đồng thời, với cá tính "Ngông" của thi sỹ Tản Đà, điều chắc chắn là thi sỹ đã chạm khắc bài thơ "Nhắn Từ Đạm" trên núi Dục Thúy khi quan Tuần phủ Ninh Bình là Từ Đạm còn đương nhiệm (Trước ngày 28/9/1921).
Từ những chứng lý và quan sát thạch dã trên vách núi, ta có thể đưa ra nhận định: Tấm bia chạm khắc bài thơ tứ tuyệt "Nhắn Từ Đạm" với dòng lạc khoản ghi "Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu"(đã quá mờ) với nội dung châm biếm quan Tuần phủ Từ Đạm, đã ngang ngược khắc bài thơ đầy tính tự phụ, mặc kệ dân tình lầm than, đói khổ "Trăng gió vui cùng hắn/ Lầm than bận kệ ai/ Ham chơi non với nước/ Có phúc được ngồi dai" và hơn thế còn khắc lốt bàn chân của mình trên đỉnh núi Dục Thúy được chạm khắc sau năm 1919 đến trước ngày 28/9/1921.
Đến nay, tuy đã trải qua đúng một thế kỷ, nhưng sự hiện hữu của bài thơ "Trăng gió vui cùng hắn" và lốt bàn chân của quan Tuần phủ Từ Đạm trên đỉnh núi, vẫn là một hạt sạn văn chương, một vết xước trên mình một viên ngọc quý là núi thơ Dục Thúy. Trong đó, người đầu tiên bút chiến trước sự ngang ngược của quan Tuần phủ là thi sỹ Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu, góp phần gìn giữ bảo tàng văn bia thi ca thiên nhiên Dục Thúy sơn.
Trần Lâm Bình