Thành phố Tam Điệp có tổng diện tích tự nhiên gần 10.500 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp là hơn 2.954 ha. Tuy nhiên, hiện nay, rừng của Tam Điệp đang phải gánh chịu rất nhiều thách thức như tốc độ đô thị hóa nhanh, các hoạt động khai thác khoáng sản tác động xấu đến rừng.
Ngoài ra, ý thức bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) của một bộ phận người dân tại các xã, phường có rừng còn hạn chế. Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên rừng đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, thành phố Tam Điệp đã chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức của Nhân dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tam Điệp cũng ban hành nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn. Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình. Đến nay, trên địa bàn thành phố có gần 2.000 đất rừng sản xuất được giao khoán cho các tổ chức và các hộ gia đình nhận khoán trồng và bảo vệ rừng.
Theo ông Trần Xuân Cảnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tam Điệp, khó khăn lớn nhất đối với Hạt Kiểm lâm là đội ngũ cán bộ mỏng, chỉ có 6 cán bộ công nhân viên mà phụ trách 4.430 ha rừng ở cả thành phố Tam Điệp và huyện Yên Mô. Để tuần tra, kiểm soát rừng không để xảy ra cháy, thất thoát là một khó khăn lớn.
Chưa kể rừng ở Tam Điệp đa phần là loại rừng phòng hộ tự nhiên trên núi đá, dễ mất nước vào mùa khô, trong khi chính quyền một số địa phương còn chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ rừng, ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, vẫn còn hiện tượng trong quá trình canh tác đốt thực bì hoặc vào rừng đốt lấy ong, gây cháy rừng.
Chính vì vậy, hàng năm Hạt tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho các tổ đội bảo vệ rừng quần chúng tại cơ sở về công tác bảo vệ PCCCR, đồng thời tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp về công tác chỉ đạo chủ rừng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, từ đó từng bước làm chuyển đổi nhận thức của người dân các xã, phường có rừng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp với các lực lượng có liên quan thường xuyên tuần tra, kiểm tra, nhất là các trọng điểm, tụ điểm gây cháy rừng, phá rừng. Xây dựng phương án PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ đối với địa phương có rừng và chủ rừng. Phân công canh trực PCCCR khi có báo động cháy rừng từ cấp 3 trở lên, xử lý các hành vi vi phạm đến tài nguyên rừng.
Đặc biệt, năm 2018 vừa qua, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với UBND thành phố tổ chức thành công diễn tập chữa cháy rừng. Qua đó, đã hoàn thiện phương án chữa cháy rừng, đồng thời giúp các lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm và người dân hợp đồng tác chiến khi có cháy rừng xảy ra. Nhờ vậy, trong những năm qua, Tam Điệp được đánh giá là địa phương có rừng thực hiện tốt công tác PCCCR, không để có cháy lớn xảy ra.
Bên cạnh làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và PCCCR, Tam Điệp còn quan tâm đến công tác trồng cây xanh, cải thiện môi trường, cảnh quan đô thị. Đặc biệt, đã trở thành truyền thống, cứ mỗi độ Xuân về, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, các địa phương, các cơ quan, đơn vị trong thành phố lại nô nức tham gia Tết trồng cây. Sau mỗi Tết trồng cây, thành phố lại có thêm hàng vạn cây xanh.
Đồng chí Trần Sơn Hải, cán bộ phụ trách Lâm nghiệp, phòng kinh tế thành phố Tam Điệp cho biết: Hàng năm, để tổ chức Tết trồng cây bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, phòng Kinh tế thành phố đã có hướng dẫn các địa phương chọn cơ cấu giống cây phù hợp.
Ở các phường, cây xanh được trồng bổ sung trong các trường học, khu đô thị mới, vừa tạo cảnh quan vừa giúp thành phố thêm xanh, sạch. ở các xã ngoại thị gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, các tuyến đường, nhà văn hóa, khu vui chơi công cộng sau khi được cải tạo, xây mới, cây xanh sẽ được trồng kịp thời để tạo cảnh quan làm đẹp làng quê.
Năm 2018 vừa qua, toàn thành phố đã trồng được 100.000 cây xanh các loại, chủ yếu là cây lấy gỗ, cây bóng mát. Năm 2019 này, Tam Điệp cũng đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị cây giống, xác định các khu vực trồng cụ thể…
Bài, ảnh: Hà Phương