Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, thực hiện chủ trương về xây dựng thị xã Tam Điệp trở thành đô thị loại III trong năm 2012 và thành phố vào năm 2015, thời gian qua Tam Điệp đã có những bước đi cụ thể nào?
Ông Vũ Hoài Nam: Trên tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 10-4-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "xây dựng và phát triển thị xã Tam Điệp trở thành đô thị loại III vào năm 2012 và trở thành đô thị loại II vào năm 2020" và Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 10-8-2011 của BCH Đảng bộ thị xã khóa VIII về "Xây dựng thị xã Tam Điệp trở thành đô thị loại III trực thuộc tỉnh", thời gian qua thị xã đã tập trung vào việc khảo sát, đánh giá toàn hiện thực trạng KT-XH theo các tiêu chí về phân loại đô thị để tập trung hoàn chỉnh các tiêu chí chưa đạt. Trong đó ưu tiên đẩy mạnh việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như: phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, mạng lưới đường đô thị, hệ thống cấp thoát nước và chỉnh trang đô thị.
Huy động sự vào cuộc của chính quyền các cấp cùng toàn thể nhân dân, các doanh nhân trên địa bàn tham gia đóng góp xây dựng lại một số tuyến đường giao thông, chỉnh trang nhà cửa, khu dân cư. Triển khai đề án đổi tên, đặt tên các tuyến đường phố, đánh số nhà đối với các phường nội thị. Hiện thị xã cũng đã và đang triển khai xây dựng 5 khu đô thị mới và cải tạo chỉnh trang 8 khu đô thị cũ.
Bên cạnh đó, thị xã tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. Tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân...
PV: Xin ông nói rõ hơn về kết quả cụ thể đến thời điểm này?
Ông Vũ Hoài Nam: Đến nay, Tam Điệp đã xây dựng được một mạng lưới giao thông tương đối hợp lý, với những tuyến đường trục chính khu vực nội thị được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống điện chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh được trồng có chọn lọc, có điểu nhấn hình thành những tuyến phố đẹp, tạo điểm nhấn cho đô thị. Nhiều nhà tạm đã được thay thế bằng nhà kiên cố, bán kiên cố (chiếm 94,8%). Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tăng lên đáng kể, đạt 15,2 m2 sàn/người. Các công trình dịch vụ công cộng, trung tâm văn hóa, thể thao, thương mại, cơ sở y tế, trường học cũng được đầu tư khá đồng bộ tạo nên một diện mạo mới cho thị xã.
Hiện tại, tỷ lệ đô thị hóa của thị xã đạt hơn 70%. Nhiều chỉ tiêu về giao thông, diện tích đất cây xanh công cộng, tỷ lệ chất thải rắn khu vực nội thị được thu gom của thị xã Tam Điệp đều vượt tiêu chuẩn đánh giá đô thị loại III: diện tích đất giao thông trên dân số nội thị là 14,82 m2/người, tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt khu vực nội thị đạt gần 114 lít/người.
Với những kết quả trên ngày 31-7-2012 Bộ Xây dựng đã có Quyết định 708/QĐ-BXD công nhận thị xã Tam Điệp là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Ninh Bình.
PV: Trở thành một đô thị cũng có nghĩa là đứng trước những vấn đề phức tạp của quá trình đô thị hóa như chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường... Vậy Tam Điệp có những giải pháp gì khắc phục để trở thành một đô thị phát triển bền vững trong tương lai?
Ông Vũ Hoài Nam: Về mục tiêu tổng quát, Tam Điệp hướng tới một đô thị năng động, văn minh, hiện đại và có môi trường sống tốt cho người dân. Do vậy thời gian tới thị xã sẽ tập trung vào việc hoàn thành quy hoạch chung của thị xã và quy hoạch chi tiết 5 phường nội thị, tiếp tục chỉnh trang các khu đô thị hiện có. Đồng thời tổ chức quy hoạch và thiết lập các quy định, quy chế quản lý đô thị - đây chính là công cụ của chính quyền để nâng cao chất lượng quản lý đô thị.
Cùng với việc rà soát thủ tục hành chính, Tam Điệp cũng tập trung xây dựng cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, theo hướng ưu tiên lĩnh vực y tế, giáo dục. Tập trung đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện, đào tạo nhân lực bảo vệ môi trường. Quan tâm, chú trọng việc đánh giá tác động về môi trường đối với các dự án mới, tuyệt đối không đưa vào vận hành các cơ sở sản xuất không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Nhà máy chế biến rác công suất 200 tấn/ngày của tỉnh trên địa bàn thị xã. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nếp sống văn minh đô thị và phong cách ứng xử có văn hóa của người dân thị xã.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Lựu (Thực hiện)