Tam Điệp- Bước chuyển mình mạnh mẽ sau 40 năm thành lập
Thứ Ba, 20/12/2022, 05:34
Zalo
Thuở xa xưa, Tam Điệp là nơi hoang sơ, hẻo lánh. Nơi này từng được ví là rừng thiêng, nước độc, nơi "má hồng để lại, xanh xao mang về"... Tất cả đã là câu chuyện của dĩ vãng. Hôm nay, Tam Điệp đã có bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, trở thành một đô thị năng động, đông vui, sầm uất, là địa chỉ tin cậy, hấp dẫn bạn bè trong nước và quốc tế đến đầu tư phát triển.
Tam Điệp- Bước chuyển mình mạnh mẽ sau 40 năm thành lập
40 năm về trước (năm 1982), khi mới thành lập, thị xã Tam Điệp là địa phương có xuất phát điểm thấp với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là cơ sở hạ tầng. Hầu hết các tuyến giao thông là đường đất và đá cấp phối, quanh năm nắng bụi, mưa lầy, các cơ sở y tế, giáo dục, trường học còn đơn sơ nhà tranh vách liếp, hệ thống điện, nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt còn khó khăn; tỷ lệ hộ đói, hộ nghèo chiếm gần 30%...
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tam Điệp đã phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, năng động, sáng tạo và khả năng bền bỉ chinh phục thiên nhiên của các thế hệ người Đồng Giao - Tam Điệp để khai thác, tiềm năng thế mạnh riêng có, "tạo sức hút" đối với các nhà đầu tư và đã giành nhiều thành tựu quan trọng.
Nổi bật là sản xuất công nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ. Đồng chí Vũ Hoài Nam, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Tam Điệp cho biết: Xác định phát triển công nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm, xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ Tam Điệp đã xây dựng, ban hành hàng loạt các chính sách linh hoạt, kết hợp với những chính sách phát triển công nghiệp của Nhà nước, từng bước tạo nền móng vững chắc để phát triển công nghiệp - dịch vụ, mang lại những khởi sắc mới trong đời sống của người dân.
Theo đó, Tam Điệp đã quy hoạch và mở rộng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mối liên hệ thân thiện giữa chính quyền địa phương với các nhà đầu tư; tạo điều kiện nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng…
Năm 2008, Khu công nghiệp Tam Điệp I với diện tích 64 ha được thành lập đã thu hút nhiều ngành nghề công nghiệp như: Sản xuất xi măng; sản xuất giày dép, may mặc; sản xuất thiết bị y tế; Vật liệu xây dựng cao cấp; chế biến nông sản, thực phẩm. Đến nay toàn bộ diện tích của khu công nghiệp đã được lấp đầy, tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 70.000 lao động, thu nhập bình quân từ 5,5 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Các doanh nghiệp từng bước thích ứng với cơ chế mới, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh được nâng lên, giữ vững thị trường trong nước và từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Các ngành sản xuất xi măng, thép, may mặc, giày da, trang thiết bị y tế, nông sản xuất khẩu… là những ngành chủ yếu, có giá trị và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Hiện nay, đóng góp của ngành công nghiệp chiếm trên 50% tổng số thu ngân sách của thành phố.
Bước chuyển tích cực của thành phố Tam Điệp trong 4 thập kỷ qua, đó chính là thương mại, dịch vụ với sản phẩm dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng. Năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu của thành phố đạt 415 triệu USD. Số lượng doanh nghiệp trên toàn thành phố tăng mạnh, tập trung chủ yếu loại hình công nghiệp, thương mại - dịch vụ.
Đến nay thành phố có 775 doanh nghiệp (trong đó có 7 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đầu tư 4.200 tỷ đồng), giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Các cơ sở sản xuất công nghiệp - thương mại dịch vụ đã lan tỏa tới tận vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia sản xuất, góp phần rút ngắn sự chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, miền.
Với lợi thế của vùng bán sơn địa, Tam Điệp đã từng bước phát triển nông- lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, phù hợp với tiến trình đô thị hóa. Đây cũng là một trong những gam màu sáng của nền kinh tế thành phố.
Nếu như năm đầu thành lập thị xã, cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản là 62,3%, thì đến năm 2021 cơ cấu ngành giảm xuống còn 2,5%, nhưng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 681 tỷ đồng, tăng 640 tỷ đồng so với năm 1992. Nhiều loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng diện tích, đã xây dựng và tạo lập thương hiệu sản phẩm "Dứa Đồng Giao", "Đào phai Tam Điệp", "Chè trại Quang Sỏi"…
Nhiều thiết bị, dụng cụ thể thao được quan tâm lắp đặt tại Nhà văn hóa thôn Khánh Ninh, xã Yên Sơn (một trong những thôn có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống) đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của đồng bào. Ảnh: Mai Lan
Sự nhộn nhịp của hoạt động kinh tế đã kéo theo những chuyển động trong đời sống tinh thần của nhân dân. Hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông đô thị được đầu tư xây dựng khang trang. Không gian đô thị được mở rộng, hiện thành phố có 9 đơn vị hành chính (tăng 3 phường mới so với khi mới thành lập).
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp, đưa Tam Điệp từ đô thị loại IV lên đô thị loại III; từ thị xã trở thành thành phố (năm 2015). Các xã kinh tế mới trước đây, trong đó 50% thuộc xã nghèo trọng điểm đã đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục xây dựng trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, tạo diện mạo mới, đảm bảo đồng bộ với phát triển kinh tế và xây dựng đô thị của thành phố.
Năm 2022, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt gần 15.800 tỷ đồng (gấp 350 lần so với năm 1983). Sản xuất công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế; sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản xuất khẩu đạt thành tựu to lớn, sản phẩm rau quả chế biến của Công ty Cổ phần TPXK Đồng Giao đã vươn rộng ra nhiều nước trên thế giới. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2022 đạt gần 425 tỷ đồng (tăng 300 lần so với năm 1983).
Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được đảm bảo, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao, chủ động phòng, chống hiệu quả dịch bệnh. 100% trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% các khu dân cư có nhà văn hóa, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 92,5%, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm xuống còn 0,53%.
Giờ đây, ai về Tam Điệp cũng đều cảm nhận rõ sự "thay da đổi thịt" của miền núi đồi trùng điệp xưa kia khô cằn, sỏi đá. Tam Điệp nay đã khoác lên mình diện mạo mới với những tuyến phố nối dài lung linh dưới ánh đèn cao áp, đèn hoa trang trí mỗi khi màn đêm buông xuống; những ngôi trường khang trang, hiện đại; những nhà máy trong các khu, cụm công nghiệp đã và đang đi vào hoạt động hiệu quả; những nương dứa, đồi chè xanh mướt… Tất cả đã tạo nên bức tranh sống động của đô thị Tam Điệp hôm nay- một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.