Cuộc sống của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn vốn rất khó khăn. Vậy nhưng hai vợ chồng trẻ luôn nỗ lực vươn lên với khát khao sớm thoát nghèo, ổn định cuộc sống và chăm lo tốt cho hai con nhỏ. Anh Lê Chí Trung - chồng chị Hồng xin vào làm việc tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Gián Khẩu, còn chị Hồng ở nhà chăm sóc con cái và làm nông nghiệp. Cuộc sống tưởng chừng đã mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ thì anh Trung đột ngột qua đời sau một vụ tai nạn lao động.
Đã hơn một năm sau ngày chồng mất, chị Hồng vẫn không thể nào nguôi ngoai được nỗi đau tột cùng ấy. Ngôi nhà mới xây còn chưa kịp hoàn thiện, những đứa con nhỏ thèm khát sự yêu thương, chăm sóc, giáo dục của người cha… càng chất chồng thêm nhiều cực nhọc, lo toan lên đôi vai gầy của chị Hồng.
"Tôi đã xin đi làm công nhân để có nguồn thu nhập ổn định chăm lo cho con cái học hành. Cuộc sống có thể sẽ bớt khó khăn nếu tôi làm việc bằng đôi, bằng ba, nhưng những thiệt thòi vì thiếu đi bóng dáng của người chồng, người cha trong gia đình lại không có gì có thể bù đắp được.
Tai nạn lao động là một điều khủng khiếp đối với mỗi gia đình. Không chỉ tước đi mạng sống, sức khỏe của một con người, mà còn để lại nỗi đau buồn khôn nguôi của những người thân ở lại… Từ sự mất mát lớn lao mà tôi đã và đang trải qua, tôi mong rằng đó cũng là hồi chuông để cảnh báo doanh nghiệp, người lao động hãy hành động cẩn trọng hơn nữa để đảm bảo an toàn tính mạng cho người lao động"- chị Hồng chia sẻ.
Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 5 vụ tai nạn lao động làm chết 5 người. 5 nạn nhân làm việc trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong tổng số 5 người chết vì tai nạn lao động, chỉ có 2 nạn nhân chết vì tai nạn lao động, còn lại 3 nạn nhân chết coi là tai nạn lao động (Chết vì tai nạn giao thông hoặc rủi ro khác trên hành trình từ nhà đến chỗ làm với khoảng thời gian hợp lý).
Tai nạn lao động đã giảm cả về số vụ và số người chết so với những năm trước, đó là tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, để xảy ra tai nạn lao động gây chết người dù do nguyên nhân nào vẫn là câu chuyện đau lòng mà thiệt thòi luôn thuộc về người lao động.
Trong báo cáo của ngành lao động cũng chỉ rõ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, trong đó chủ yếu là do người sử dụng lao động và người lao động chưa nhận thức đúng về công tác bảo hộ lao động. Mặc dù đã nằm trong quy định bắt buộc, song thực tế vẫn còn có những doanh nghiệp chưa đầu tư thích đáng cho bảo hộ lao động. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chưa cao, chưa sâu sát trong chỉ đạo thi công; tổ chức sắp xếp nơi làm việc chưa đảm bảo; công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về ATVSLĐ chưa thực sự có hiệu quả; chưa dự báo, kiểm soát hết các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động để kịp thời có các biện pháp phòng tránh hiệu quả…
Tuy nhiên, trong các vụ tai nạn lao động do nguyên nhân từ phía người lao động cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Có những lao động vốn là nông dân với trình độ văn hóa không cao, tính kỷ luật thấp, lại chưa được đào tạo nghề đã được tuyển dụng vào làm việc. Khi vào làm việc, người lao động cũng chưa được hướng dẫn, đào tạo nghề một cách bài bản mà thường có xu hướng đào tạo theo kiểu kèm cặp. Tức là người biết việc chỉ bảo cho người chưa biết.
Nhiều khi, chủ sử dụng lao động còn bố trí công việc không phù hợp với trình độ khiến người lao động khó nắm bắt được công việc, thiết bị dẫn đến TNLĐ. Một số lao động có trình độ tay nghề, được huấn luyện về ATVSLĐ nhưng do ý thức chủ quan, sơ suất, chạy theo năng suất sản phẩm nên cũng dẫn tới TNLĐ…
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản về ATVSLĐ, về công tác quản lý ATVSLĐ.
Ở tỉnh ta, công tác đảm bảo ATVSLĐ cũng đã được thực hiện tốt hơn, các dự án về lĩnh vực này đã được triển khi đồng bộ, công tác tuyên truyền được nâng lên, các hoạt động hợp tác nhằm nâng cao nhận thức và năng lực giám sát, thực thi ATVSLĐ cũng được triển khai tốt.
Trong thời gian tới, với quyết tâm hạn chế thấp nhất số vụ tai nạn lao động, phấn đấu không để người lao động nào bị chết vì tai nạn trong lao động đòi hỏi phải có sự vào cuộc và hưởng ứng tích cực từ nhiều phía. Trong đó, ngành lao động sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền để tạo nên ý thức "thường trực" và sâu rộng về ATVSLĐ trong toàn xã hội.
Đặc biệt, Công tác thanh, kiểm tra tình hình thực hiện Luật An toàn lao động tại các doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục được tăng cường và nâng cao về chất lượng. Bởi lẽ đây là một trong những giải pháp căn cơ nhất, vừa để tuyên truyền trực tiếp, vừa là dịp để ngành chức năng hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn một cách khoa học, đúng trình tự của pháp luật lao động.
Cũng thông qua hoạt động thanh, kiểm tra, ngành chức năng sẽ hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp xác định, lựa chọn công nghệ, máy móc thiết bị tương thích với công việc theo tiêu chuẩn đảm bảo ATVSLĐ; tích cực cải thiện điều kiện làm việc an toàn cho người lao động…Thông qua công tác thanh, kiểm tra sẽ phát hiện sớm những dấu hiệu vi phạm để có hướng xử lý phù hợp.
Bài, ảnh: Đào Hằng