Mặc dù thời gian qua, các lực lượng chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng cơi nới thành thùng xe như tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tự giác tháo dỡ, cắt kích thước thành thùng đã cơi nới; xử lý vi phạm... làm giảm đáng kể số xe được cơi nới thành thùng.
Tuy nhiên, sau một thời gian đâu lại vào đấy. Hiện nay, thật hiếm khi nhìn thấy những chiếc xe tải đã cắt kích thước thành thùng theo đúng quy định được duy trì để lưu thông trên các tuyến đường; hầu hết các xe đều đã cơi nới mở rộng thành thùng trở lại, có xe cơi nới gấp đôi, gấp ba kích thước ban đầu. Điển hình như trên tuyến đường Quốc lộ 12B đoạn qua thành phố Tam Điệp; ĐT477 qua địa bàn huyện Gia Viễn,... trong đó các xe có dấu hiệu vi phạm chủ yếu là dòng xe Howo của Trung Quốc sản xuất.
Nổi bật như vừa qua lực lượng thanh tra giao thông mới xử lý xe ô tô tải Howo mang biển kiểm soát 90C - 04208 do lái xe Phạm Văn Thạch (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) điều khiển, nguyên bản kích thước thùng xe chỉ cao 60cm, nhưng đã được cơi nới lên tới 1,8m hay xe đầu kéo 29C-430.07 kéo rơ moóc 29R -5017 của Công ty TNHH và dịch vụ thương mại Đức Trọng, theo thiết kế, xe được phép kéo thêm đằng sau là 1 contenner, nhưng Công ty đã tự ý tháo bỏ thiết kế và lắp trụ sắt đứng làm giá đỡ để chở vật liệu...
Các hộ dân sinh sống dọc quốc lộ 12B thuộc địa bàn thành phố Tam Điệp cho biết: Các xe tải chở vật liệu qua đây rất nhiều và hầu hết đều có thành thùng cao, vật liệu chở đầy quá thành thùng, không chỉ vậy lại phóng rất nhanh, kèm theo đó là khói bụi, ô nhiễm môi trường, tình trạng đó diễn ra lâu nay.
Việc cơi nới thành thùng để chở hàng quá tải lưu thông trên đường đã khiến tuyến đường này cũng như nhiều tuyến đường khác trên địa bàn tỉnh nhanh chóng bị xuống cấp.
Theo thống kê trong tháng 8, lực lượng thanh tra giao thông xử lý được 11 trường hợp vi phạm lắp thùng xe không đúng thiết kế sản xuất, tự ý cải tạo, thay đổi thiết kế thùng xe, với tổng số tiền phạt gần 52 triệu đồng, tước 3 giấy kiểm định ATKT&BVMT, 2 tem kiểm định.
Tuy nhiên, với lượng xe tải vi phạm còn phổ biến trên các tuyến đường thì con số xử lý vi phạm trên phải chăng chưa sát với thực tế?
Ông Nguyễn Duy Phong, Chánh thanh tra giao thông, Sở Giao thông- Vận tải cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng trên là do lợi nhuận và cạnh tranh, nếu doanh nghiệp này chấp hành trong khi các doanh nghiệp khác cơi nới lên gấp đôi để chạy thì không thể cạnh tranh nổi; chạy 1 chuyến quá tải, sinh lãi gấp 3, 4 lần nên các doanh nghiệp đã "tặc lưỡi" bất chấp vi phạm.
Không chỉ vậy, nhiều phương tiện vi phạm đi từ tỉnh ngoài vào lưu thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh ta, trong khi lực lượng thanh tra chỉ có quyền hạn xử lý vi phạm tại những nơi xuất phát hàng hóa trên địa bàn tỉnh, khiến công tác xử lý còn bị hạn chế.
Bên cạnh đó, chỉ các xe tải nhập khẩu sau Thông tư 32 của Bộ Giao thông Vận tải mới phải buộc cắt kích thước thành thùng xe, điều đó đồng nghĩa với việc các xe nhập khẩu trước khi có Thông tư 32 được phép giữ nguyên kích thước thành thùng khi lưu thông. Một yếu tố nữa là do lực lượng thanh tra giao thông còn mỏng, vì vậy không thể tập trung kiểm soát đồng đều tại tất cả các kho, cảng, mỏ trên địa bàn.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 70 điểm xuất phát hàng hóa là các cảng, bến, bãi, mỏ, nhà máy sản xuất... đi kèm theo đó là một lượng lớn các xe tải thường xuyên ra vào các điểm này mỗi ngày. Với điểm xuất phát hàng hóa và lượng xe tải lưu thông nhiều như vậy thì việc kiểm soát, xử lý nghiêm các xe tự cơi nới thành thùng, chở quá tải trọng là rất cần thiết.
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm giảm thiểu tình trạng vi phạm kích thước thành thùng xe và chở quá tải hàng hóa, góp phần đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng như công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tải trọng theo quy định của pháp luật, hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh. Cùng với đó, các lực lượng chức năng của tỉnh cũng đã tăng cường thực hiện các giải pháp hữu hiệu hơn.
Đồng chí Chánh thanh tra giao thông, Sở Giao thông- Vận tải cho biết: Hiện nay lực lượng Thanh tra giao thông tiếp tục duy trì hàng ngày 4 tổ công tác và 2 trạm cân tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát tại các điểm xuất phát hàng hóa. Phối hợp với lực lượng công an và các địa phương, gửi văn bản cũng như trực tiếp tới các doanh nghiệp vận động các đơn vị tự giác dỡ bỏ, cắt kích thước thành thùng xe đã cơi nới.
Từ 1/8 đến 15/9/2018, đã tuyên truyền, vận động được 5 doanh nghiệp và 3 cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng tự cắt bỏ phần cơi nới thành, thùng của 18 xe; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc bốc xếp hàng hóa trên xe ô tô ngay trong từng khu vực trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời tiến hành kiểm tra việc thực hiện các nội dung đã ký cam kết đối với các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp khai thác cảng, bến thủy nội địa, nhà ga và các đơn vị thi công các công trình lớn. Đơn vị nào chưa cắt thùng, chúng tôi kiên quyết yêu cầu phải tự cắt bỏ phần thùng hàng vượt quá kích thước.
Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra cũng thành lập thêm các tổ công tác lưu động, tập trung kiểm tra trên các tuyến đường dẫn vào các mỏ, bến bãi để phát hiện, xử lý các xe chở vật liệu tự ý cơi nới cải tạo thành thùng xe không đúng với thiết kế, chở hàng quá tải trọng.
Đặc biệt, kiên quyết xử lý và buộc cắt bỏ thành thùng đối với các phương tiện nhập khẩu trước Thông tư 32, nếu phát hiện các xe này vi phạm quá tải trọng dù chỉ 1 lần.
Trong tháng 9, 2 ngành Giao thông và Công an phối hợp tổ chức hội nghị ký kết việc thực hiện nghiêm quy định về kích thước thành thùng xe và tải trọng hàng hóa cho hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Bài, ảnh: Kiều Ân