Trong đó, lấy liên kết sản xuất và tiêu thụ làm trung tâm của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung phát triển kinh tế hợp tác và thu hút các thành phần kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đa dạng các hình thức liên kết và người nông dân chính là chủ thể của quá trình tái cơ cấu... Thực hiện chủ trương lớn của tỉnh, nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, người nông dân trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được hình thành, bước đầu hứa hẹn nhiều thuận lợi, hiệu quả đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân.
Trên cánh đồng thu hoạch đậu tương xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của Công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình tại xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, những người nông dân cho doanh nghiệp thuê ruộng trở thành những "công nhân" trên chính đồng ruộng của mình.
Bà Quách Thị Ninh, thôn Phong Thành, xã Đồng Phong cho biết: Gia đình bà có 3 sào ruộng, trước đây, quay vòng hết mức với cấy lúa, trồng cây vụ đông, một năm trừ các loại chi phí cũng chỉ còn lãi trên 1 triệu đồng, đấy là những năm được mùa. 2 năm nay, cùng nhiều hộ nông dân trong thôn, xã, bà Ninh cho doanh nghiệp thuê đất, mỗi năm được trả 70kg lúa/sào, 3 sào đã có hơn 2 tạ lúa, cho giá trị trên dưới 1 triệu đồng, bằng thu nhập vất vả 1 năm tự cày cấy trên đồng ruộng của mình.
Điều đáng nói hơn là, ngoài được ăn chắc số tiền mà doanh nghiệp thuê đất, hàng tháng bà Ninh tiếp tục được doanh nghiệp thuê làm các công việc nhà nông như bà vẫn từng làm theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của doanh nghiệp với công lao động từ 120-140 nghìn đồng/ngày/người, mỗi tháng cũng được từ 20-26 ngày công, cho thu nhập thêm bình quân trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng. Đó là niềm vui không chỉ của bà Ninh mà là của hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn xã Đồng Phong.
Ông Bùi Phú Hào, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đồng Phong cho rằng, là xã đi đầu của huyện Nho Quan trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, cụ thể hơn là thực hiện tích tụ ruộng đất thành những thửa lớn, cánh đồng lớn để đưa KHKT và máy móc vào sản xuất, Đồng Phong đã thực hiện cho một số doanh nghiệp thuê đất từ năm 2016.
Hiện toàn xã đã bàn giao 85/196 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã cho 3 doanh nghiệp thuê với thời gian thuê từ 5-10 năm.
Để tạo thuận lợi và có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân, chính quyền xã đứng ra làm trung gian thỏa thuận các điều khoản để ký kết hợp đồng theo phương châm có lợi cho cả hai bên.
Theo đó, doanh nghiệp được tạo điều kiện về các thủ tục khi triển khai thuê đất, phối hợp chuyển giao KHKT trong sản xuất, tìm kiếm nguồn lao động tại địa phương…
Còn người nông dân được hưởng lợi từ thuê đất, có việc làm, thu nhập ổn định hàng tháng trên chính đồng ruộng của mình, được hoàn trả diện tích đất như bàn giao sau khi hết hợp đồng… Đặc biệt, xã cũng yêu cầu các doanh nghiệp thuê đất canh tác trên diện tích đất được thuê nhưng không được làm biến dạng, thay đổi chất đất so với ban đầu…
Hiện nay số diện tích đất trên địa bàn xã Đồng Phong được các doanh nghiệp thuê sử dụng sản xuất lúa thương phẩm, trồng các loại khoai sọ, khoai lang, đậu tương… cho giá trị kinh tế cao.
Ông Vũ Văn Nga, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình cho rằng, việc tích tụ ruộng đất trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp có rất nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người nông dân.
Trong đó lợi ích lớn nhất là người nông dân, ngoài có nguồn thu nhập hàng năm ổn định đủ lương thực đảm bảo cuộc sống, họ còn được tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp hiện đại, học hỏi được nhiều tiến bộ KHKT và có nguồn thu nhập hàng tháng ổn định như những người công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, khi có diện tích đất rộng lớn, liền mảnh, liền thửa, họ có thể đưa sản xuất công nghiệp vào ngành nông nghiệp bằng việc đưa cơ giới hóa vào quá trình sản xuất, đưa năng suất lên cao, đặc biệt chủ động và nắm bắt được quy trình sản xuất để đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, từ đó chủ động được thị trường tiêu thụ khi ký kết đầu ra cho sản phẩm…
Đối với Công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình, việc ký kết thuê đất với các địa phương trong và ngoài tỉnh giúp Công ty chủ động đưa vào sản xuất những loại cây trồng, sản phẩm rau, quả đã ký hợp đồng với đối tác nước ngoài.
Hiện, Công ty đã ký hợp đồng với hàng chục nhà phân phối trong và ngoài nước để cung cấp nhiều loại sản phẩm nông nghiệp cho thị trường. Doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện các hợp đồng liên kết trong phát triển sản xuất, nhưng điều quan trọng là người nông dân và các cấp chính quyền phải ủng hộ và sẵn sàng thực hiện tốt.
Nếu thực hiện tốt mối liên kết sản xuất - một khâu quan trọng của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu nâng cao giá trị và đóng góp của ngành nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng thu nhập cho nông dân, giảm nghèo bền vững; khai thác được tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường.
Đối với tỉnh Ninh Bình, quan điểm tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 trong Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp nêu rõ: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phù hợp với định hướng phát triển ngành chung của cả nước.
Tái cơ cấu gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát huy vai trò kinh tế hợp tác, đa dạng các hình thức liên kết trong sản xuất và điều quan trọng hơn cả, người nông dân chính là chủ thể của quá trình tái cơ cấu.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là đảm bảo phát triển giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2020 đạt từ 2,0%/năm trở lên. Đề án đã được triển khai đến các cấp, các ngành, từng đơn vị, UBND các huyện, thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch lộ trình thực hiện cụ thể từng giai đoạn, từng năm dựa trên điều kiện của từng vùng.
Năm 2017, Ninh Bình phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp 2,2% trở lên, giai đoạn 2018-2020 hàng năm đạt từ 2% trở lên.
Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha canh tác (đất trồng trọt và đất nuôi trồng thủy sản) năm 2017 đạt 110 triệu đồng/ha; đến năm 2020 đạt trên 130 triệu đồng/ha.
Những kết quả đạt được bước đầu từ tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh như luồng sinh khí mới với cơ chế, chính sách ưu tiên đã đưa nền nông nghiệp tỉnh ta ngày càng phát triển bền vững trên con đường hội nhập n
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh