Ông Bùi Xuân Thúy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Gia Viễn cho biết: Phong trào thể thao ở Gia Viễn từ nhiều năm nay đã trở thành một trong những hoạt động thiết thực, bổ ích thu hút đông đảo nhân dân tham gia, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh… Gia Viễn luôn coi việc xây dựng, phát triển phong trào tập luyện thể thao ở các xã, thị trấn như một nhiệm vụ hàng đầu. Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng lớp trẻ kế cận cho đội ngũ đi trước để tạo nên sức bền và "làm mới" phong trào thể thao của huyện.
Nhờ vậy mà nhiều năm liền Gia Viễn luôn đứng vào tốp đầu của tỉnh trong việc phát triển sâu rộng các hoạt động tập luyện, thi đấu thể thao: đội tuyển bóng đá thiếu niên, nhi đồng huyện, 3 năm liền (2009 đến 2011) đứng trong tốp đầu giải tỉnh; năm 2011 đội tuyển TDTT của huyện tham gia giải thể thao của tỉnh tại lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư xếp thứ 3 toàn đoàn; năm 2010 đoàn tuyển VĐV huyện tham gia thi đấu tại Đại hội TDTT tỉnh xếp thứ nhì toàn đoàn... Đến nay, toàn huyện có trên trên 30% số người thường xuyên tham gia thể dục thể thao ở các môn như cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, cờ tướng, võ thuật, thể dục dưỡng sinh, bơi lội…
Chỉ tính riêng năm 2011, trên địa bàn huyện đã có trên 100 giải thể thao được tổ chức ở cơ sở. Nhiều xã có truyền thống tổ chức mỗi năm từ 3 - 5 giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông như: Thị trấn Me, xã Gia Thịnh, Gia Hưng... Huyện Gia Viễn tổ chức đều đặn các giải cấp huyện như: giải cầu lông lãnh đạo cán bộ các cơ quan, ban, ngành trong huyện nhân ngày Thể thao Việt Nam, giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng hoạt động hè...
Có thể khẳng định, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn huyện Gia Viễn những năm gần đây phát triển mạnh mẽ, các hoạt động thể thao luôn được tổ chức đều đặn, góp phần phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay hoạt động TDTT ở cơ sở còn gặp khó khăn vì kinh phí hàng năm còn hạn chế, sân chơi, bãi tập chưa được đầu tư đúng mức. Điều này đòi hỏi trong thời gian tới, ngoài sự quan tâm đầu tư từ nguồn ngân sách, các địa phương cần chủ động, linh hoạt hơn trong việc huy động các nguồn lực, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động TDTT để xây dựng các sân chơi, bãi tập..., đáp ứng tốt hơn nhu cầu luyện tập thể dục thể thao của nhân dân, tạo cho mỗi người dân thói quen thường xuyên tập luyện để nâng cao sức khỏe, trí tuệ, góp phần nâng cao hiệu quả trong lao động sản xuất.
Minh Quang