Thăng trầm nghề mộc
Gia đình ông Phạm Thế Bệ là một trong những hộ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ có quy mô lớn ở làng nghề mộc Phúc Lộc. Có thời điểm nghề truyền thống của gia đình ông bị ngừng trệ do cơ chế thị trường luôn đòi hỏi yêu cầu phải cải tiến kỹ thuật, đa dạng sản phẩm.
Do đó, ông cùng 3 người con trai tìm tòi nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người dân để từ đó có những cách thức mới trong phát triển nghề truyền thống mà cha ông để lại. Và khôi phục nhà cổ là một trong những hướng đi hiệu quả mà gia đình ông đang thực hiện.
Ông Bệ cho biết, nhà cổ luôn có nét đẹp riêng có, hiện nay nhu cầu thị hiếu của người dân đối với việc phục dựng nhà cổ tăng lên rất nhiều. Không chỉ riêng trong tỉnh Ninh Bình mà sản phẩm nhà cổ của gia đình ông còn đến được nhiều miền quê trên cả nước.
Mỗi năm có hàng chục ngôi nhà cổ được tạo dựng nên, không chỉ giúp gia đình ông gìn giữ được nghề truyền thống của quê hương mà còn nhân lên niềm vui vì góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Không những thế, hiện Doanh nghiệp tư nhân Phúc Lưu của ông còn tạo việc làm cho khoảng 40 - 70 lao động trong làng, có mức thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Gia đình ông Bệ chỉ là một trong số rất nhiều gia đình của làng Phúc Lộc có thời gian phải đối mặt với khó khăn ngừng trệ sản xuất do tác động của công nghệ và nguyên liệu thay thế.
Vươn dậy nghề truyền thống
Trong những năm gần đây, thành phố Ninh Bình đã quan tâm xây dựng, quy hoạch khu làng nghề tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh tiếng ồn trong khu dân cư. Theo dự kiến khu quy hoạch làng nghề mộc Phúc Lộc là 23 ha, giai đoạn đầu là 10,09 ha, đến nay đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đã có 11 doanh nghiệp và 58 hộ gia đình thuê đất kinh doanh mặt hàng mộc. Đặc biệt, từ năm 2006, làng Phúc Lộc đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề với các sản phẩm chính là sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống.
Từ đây đã tạo điều kiện rất lớn cho những người con của làng nghề chuyên tâm hơn trong việc gìn giữ và phát triển nghề. Những bậc cao niên trong làng đã tích cực truyền lại những kỹ năng, kỹ xảo chế tác sản phẩm gỗ cho lớp con cháu của dòng họ, trong làng nghề. Đã có hàng trăm thanh niên được truyền dạy nghề mộc, hiện nay đã thành thạo nghề. Nhiều người đã đầu tư quy mô nhà xưởng lớn với máy móc hiện đại như: máy cưa, bào, khoan, tiện... để mở rộng quy mô sản xuất. Song không có máy móc nào thay thế được đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân đã có truyền thống hàng trăm năm nay.
Cùng với đó, nhiều hộ sản xuất đã chiêu tập thợ lành nghề từ nhiều nơi để gia công và sản xuất các sản phẩm tinh xảo, chất lượng cao như sập gụ, tủ thờ, những bộ bàn ghế chạm trổ cầu kỳ hay những ngôi nhà cổ giá trị... Hiện nay, làng nghề Phúc Lộc có trên 600 người làm nghề sản xuất đồ mộc truyền thống và trên 200 lao động phụ.
Nghề mộc đối với gia đình anh Vũ Văn Trung cũng được cha truyền con nối. Anh cho biết, bố anh là ông Vũ Văn Kế - một người thợ có tay nghề giỏi trong làng. Ngay khi anh còn nhỏ, ông đã chỉ dạy cho anh từ tư thế ngồi, cách nhìn vân gỗ, rồi đến cách cầm những dụng cụ làm mộc như: đục, mài... Quan trọng hơn thế, ông còn truyền cả tình yêu làm nghề của mình cho anh.
Giờ đây đã gần 20 năm gắn bó với nghề cũng đủ để anh Trung dành nhiều tâm huyết với những sản phẩm mộc mình làm ra. Anh chia sẻ, cũng giống như những sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khác, sản phẩm mộc luôn phải tuân theo quy luật thị trường, nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn. Do đó, mỗi một người thợ, nhất là những người còn trẻ như anh dựa trên những kỹ năng, kỷ xảo mà cha ông truyền lại, luôn phải tự tìm tòi, hỏi học những kiểu mẫu, kỹ thuật mới cho sản phẩm mình làm ra, ngay cả cách thức làm cũng luôn cải tiến, đổi mới để phù hợp với yêu cầu thị trường.
Giờ đây, làng nghề mộc Phúc Lộc được đánh giá là nơi lưu giữ và bảo tồn những tinh hoa của nghề làm mộc truyền thống, được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và lựa chọn những sản phẩm từ thông dụng đến những mặt hàng đòi hỏi sự tinh tế, chạm trổ khéo léo. Nhiều hộ đã thành lập doanh nghiệp để phù hợp với xu thế phát triển và có điều kiện phát triển sản xuất mạnh hơn.
Đến nay, phường Ninh Phong có gần 20 doanh nghiệp sản xuất đồ mộc và chế biến gỗ. Việc gìn giữ và phát triển nghề mộc đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong phường, tỷ lệ hộ khá và giàu ngày càng tăng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 2,5- 3 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của làng nghề đạt khoảng 40 tỷ đồng mỗi năm. Có thể khẳng định, sức sống của làng nghề mộc truyền thống Phúc Lộc không chỉ bằng bàn tay, khối óc mà còn bằng cả tình yêu, niềm đam mê và tâm huyết của những người con quê hương với nghề truyền thống của cha ông để lại.
Bài, ảnh: Minh Quang