Tô Hoài tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh ngày 7-9-1920. Ông sinh ra và lớn lên ở Nghĩa Ðô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Sống ở một vùng quê ven thành Hà Nội, Tô Hoài cũng như nhiều nhà văn đương thời như Nam Cao, Bùi Hiển khai thác những chuyện của làng quê.
Vào tuổi hai mươi, ông cho xuất bản lần lượt các tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký (1941), Quê người (1941), O chuột (1942), Giăng thề (1943), Xóm Giếng ngày xưa (1944), Cỏ dại (1944). Tài hoa phát triển sớm, ngòi bút chín, văn mạch tươi thắm. Theo tác giả truyện Dế mèn phiêu lưu ký viết năm mười bảy tuổi qua nhiều lần xuất bản cũng không chữa chữ nào. Ông miêu tả sinh động, chân thực chú dế mèn và trong chuyến phiêu lưu đã trao cho con vật nhỏ bé một trách nhiệm lớn đi tìm thế giới đại đồng.
Truyện ngắn hồn nhiên, ngây thơ mà có cốt cách tư tưởng. Tác phẩm đã được dịch ra 41 thứ tiếng. Viết về làng quê, Tô Hoài cảm thương và miêu tả chân thật tình cảnh người nông dân bị bần cùng hóa phải tha phương cầu thực, phiêu bạt đến quê người. Tô Hoài là nhà văn nặng tình quê. Ông có óc quan sát sắc sảo và tinh tế, am hiểu sâu sinh hoạt của người nông dân, nếp sống và thói quen gần gũi của họ nên những trang viết đậm đà màu sắc quê hương.
Nhà văn Vũ Ngọc Phan gọi ông là nhà tiểu thuyết phong tục. Danh hiệu ấy rất có ý nghĩa. Tác phẩm về làng quê của Tô Hoài đậm màu sắc của quê hương Việt Nam, nhất là nông thôn miền bắc. Ông không chỉ miêu tả xung đột giai cấp ở nông thôn mà còn miêu tả cuộc sống đời thường có vui, có buồn, hội làng, trai gái hò hẹn, tình nghĩa làng xóm.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Tô Hoài lại có những đóng góp mới với những tác phẩm vùng cao như Núi Cứu quốc (1948), Xuống làng (1950), Truyện Tây Bắc (1950). Tác phẩm Truyện Tây Bắc được Hội Văn nghệ tặng giải nhất Giải thưởng truyện ký 1954-1955. Ðến với vùng cao, miền đất phong phú nhưng nhiều thử thách, Tô Hoài lúc thì đi theo bộ đội tiến vào Tây Bắc, lúc thì sống hòa với đồng bào vùng cao. Tác phẩm chân tình gắn bó với miền đất mà tác giả đã xem như quê hương của mình. Có thể nói, ông là người đầu tiên có được những trang viết đẹp về quê hương miền núi. Hòa bình lập lại, Tô Hoài lại viết Miền Tây, tiểu thuyết về Tây Bắc trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những đóng góp ấy là đáng nể trọng.
Lại trở về với Hà Nội, mảnh đất gắn bó suốt cuộc đời. Tô Hoài viết tiểu thuyết Quê hương. Quê người, Mười năm và Quê hương là bộ ba tiểu thuyết miêu tả vùng đất Hà Nội theo chiều dài lịch sử từ phong trào chống Pháp cho đến thời kỳ Cách mạng Tháng Tám. Ông am hiểu Hà Nội sâu sắc từ làng ven thành đến phố phường trong thời kỳ chống Mỹ. Cảm hứng sáng tạo của Tô Hoài mở rộng và có khuynh hướng sử thi hóa. Từ làng quê mở ra với đất nước, từ chuyện làng xóm đến chuyện của nhiều miền quê hương.
Ðặc biệt bộ sách Chuyện cũ Hà Nội (1980) có giá trị về nhiều mặt, lịch sử xã hội học, văn học. Tác phẩm được Giải thưởng văn học Thăng Long. Năm 2011, ông được thành phố tặng danh hiệu Công dân thủ đô ưu tú. Ông cùng với các vị Nguyễn Vinh Phúc, Trần Quốc Vượng là những nhà Hà Nội học. Hà Nội ngày càng được mở rộng. Chuyện cũ Hà Nội ngày càng theo thời gian xa dần. Phải có những thế hệ kế tục những người đã ra đi. Bên cạnh tiểu thuyết, truyện ngắn là những tập hồi ký Chiều chiều (1991), Cát bụi chân ai (1992). Tô Hoài cũng là tác giả xuất sắc viết về loài vật. Từ chú dế mèn đến đôi gi đá, con gà trống ri,... loài vật quẩn quanh bên cuộc sống của con người thật đáng yêu.
Là một nhà văn lớn viết đều, viết hay trên suốt nửa thế kỷ, ông cũng là nhà hoạt động có công xây dựng phong trào văn nghệ ở trung ương và Hà Nội. Phải kể đến những đóng góp của Tô Hoài thời kỳ trước Cách mạng. Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, Tô Hoài hoạt động trong tổ chức thời kỳ Mặt trận dân chủ Ái hữu thợ dệt. Năm 1943, ông là thành viên của Hội Văn hóa cứu quốc. Từ khi thành lập Hội Văn nghệ ở Việt Bắc (1948) đến việc thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), Tô Hoài là một trong những thành viên chủ chốt: Tổng Thư ký Hội Nhà văn (1957), Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội (1966-1996).
Những đóng góp của Tô Hoài về văn học luôn được các nhà văn nể trọng. Nguyễn Ðình Thi, người gần gũi trong công tác, trong văn nghiệp nhận xét: "Viết, viết và viết. Ðó là cách tranh luận, cách lật ngược vấn đề, cách phản ứng của Sen (Tô Hoài). Sen là nhà văn suốt đời tự đổi mới, đổi mới ở những mức độ khác nhau trong từng giai đoạn khác nhau của đất nước. Ðừng nghĩ rằng Nguyễn Sen không đổi mới. Hãy đọc cho kỹ khoảng một trăm năm mươi tác phẩm của Sen để thấy ánh sáng đổi mới ngày một rõ trong dòng sông chữ của tác giả Dế mèn phiêu lưu ký".
Nhà văn Hữu Mai cũng có lần nhận xét: "Tô Hoài chủ yếu viết về đề tài cũ, nhưng luôn đổi mới và tạo được sức hấp dẫn". Bản chất của văn chương Tô Hoài là phong cách, bút pháp đậm đà bản sắc dân tộc. Phẩm chất ấy là sự tích tụ của cả một đời gắn bó với đất nước và nhiều miền quê hương, trân trọng và yêu thương những con người lao động mang tâm hồn và tính cách của người Việt Nam.
Ông được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương và phần thưởng cao quý, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1). Tuy nhiên, phần thưởng xứng đáng với ông là tình cảm và sự yêu mến của bạn đọc./.
Cha đẻ của "Dế mèn phiêu lưu ký" - nhà văn Tô Hoài vừa qua đời lúc 11 giờ 30 phút ngày 6/7, tại nhà riêng C3 Tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi. Nhắc đến Tô Hoài là nhắc đến chú dế mèn tinh nghịch, đáng yêu đi cùng tuổi thơ của độc giả nhiều thế hệ. Tô Hoài ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với những người yêu văn học Việt Nam. Qua hơn 60 năm lao động nghệ thuật không mệt mỏi, ông đã để lại khối di sản khổng lồ với hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: Truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác... Hai tác phẩm cuối cùng ông để lại cho đời là: "Hồi ký Cát bụi chân ai" và "Ba người khác". Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, Tô Hoài đã được nhận rất nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, đợt 1 năm 1996 cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O Chuột, Dế Mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ… |
(Hà Minh Đức/Báo Nhân dân điện tử)