Theo dòng chảy của tập thơ, thấy anh đi nhiều hơn, có cái nhìn tinh tế, sâu sắc hơn về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Viết về quê hương đất nước, về con người, về những buồn vui nhân thế, nhưng vẫn chừng mực, mà vẫn toát lên những giá trị nhân văn, hướng con người tới chân - thiện - mỹ... Với "Bến sông quê" Trần Quang Hiển đã có bước tiến đáng khích lệ và chắc tay hơn trong phương pháp thể hiện.
Trần Quang Hiển sinh năm 1951 tại Côi Trì (Yên Mỹ - Yên Mô). Một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và hiếu học. Trải nhiều thế hệ, trên dải đất này đã có không ít người lọt vào vòng khoa bảng, nhiều người là nhân sĩ, trí thức yêu nước và có nhà văn, nghệ sĩ đã thành danh… Hiện nay anh là Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình. Ham hiểu biết và sáng tạo là một phẩm chất đáng ghi nhận ở Trần Quang Hiển. Phẩm chất đó cũng đã đem anh đến với thi ca.
Những năm tháng đi xa, anh luôn đau đáu nhớ về cái "bến sông quê" đầy ắp kỷ niệm, để rồi mỗi lần trở về, cảnh cũ còn đây mà người xưa đâu thấy.
Và cũng từ đó những ký ức đọng lại qua tháng năm bên dòng sông quê thơ mộng nhưng cũng lắm thăng trầm này, Trần Quang Hiển đã có thêm những suy ngẫm về triết lý nhân sinh:
"Sông ơi chảy giữa bao điều / Trôi đi năm tháng xóa nhiều thương đau / Ngàn đời nước chảy sông sâu / Trôi về bến cũ tìm đâu bóng người"
(Bến sông quê)
Nhớ về dòng sông quê "Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng" anh lại càng da diết nhớ về mẹ, một đời trĩu nặng lo toan, hết tiễn chồng lại tiễn con ra trận. Một mình một bóng mẹ có bao giờ được nghỉ ngơi:
"Ngày bề bộn cấy cày lam lũ / Tối khuya về cối gạo mòn chân / Đêm leo lét ngọn đèn sáng tỏ / Mẹ tựa giường kim chỉ vá khâu"
(Mẹ và con)
Người mẹ trong thơ anh đã thành biểu tượng của người phụ nữ, người mẹ Việt Nam với đầy đủ những phẩm chất cao quý "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
Đất nước, quê hương với Trần Quang Hiển luôn là "khoảng trời thi ca" đầy cảm xúc, là nguồn cảm hứng trào dâng trong anh để khai thác, sáng tạo; viết về dải đất Yên Mô, dải đất Ninh Bình thân thương đâu chỉ là nơi "Non nước hữu tình", ken dày di tích, danh thắng mà còn là vùng quê giàu tiềm năng mà bao đời đất và người gắn bó.
Trần Quang Hiển đi nhiều và đến đâu anh cũng có thơ, nhưng không vì thế mà xô bồ, dàn trải bởi anh không chỉ có sự hiểu biết về địa lý, lịch sử mà anh còn có góc nhìn và sự phát hiện tinh tế. Đó là "Bình Định", "Đêm Hà Nội", "Đêm Tây Bắc", "Đi hội Yên Tử", "Đò quan", "Ghi ở Móng Cái", "Hồ Ba Bể", "Hòn Trống Mái", "Nỗi nhớ Thái Nguyên"... Đến với xứ Nghệ, anh có cái nhìn rất riêng:
"Đất trời xứ Nghệ au au / Tìm câu hát ví trước sau vẹn tình"
Mỗi bài thơ anh viết về một vùng quê đều có những sắc diện, gam màu có tính đặc trưng, để bạn đọc được hóa thân vào cảnh quan, đất trời Tổ quốc.
Thơ tình của Trần Quang Hiển cũng rất đỗi ngọt ngào, đằm thắm. Xâu chuỗi những bài thơ anh viết về mảng đề tài này, cứ ngỡ như bản tình ca nhiều chương khúc, có sự chắt lọc của ngôn ngữ, hình ảnh, thanh thoát mà cũng hết sức lắng đọng. Chợt gặp biển để có "Biển và em", chợt gặp hoa để có "Hoa và em" cho "Chàng trai đa tình" đi nối "Tơ hồng" để rồi như anh đã bộc bạch:
"Đi tìm dấu vết tình yêu / Tìm trong ký ức một chiều nắng suông / Bây giờ tóc đậm màu sương / Gót chân đã vẹt dặm đường chưa qua"
(Dấu vết tình yêu)
Từ "Chiều tím rừng lan" đến "Bến sông quê", Trần Quang Hiển đã đạt được "độ chín" hơn trong phát hiện, chọn lọc đề tài, trong sử dụng hình ảnh, ngôn từ, cú pháp. Anh đã biết so lại dây tơ, tạo được những giá trị nghệ thuật và sức lay chuyển mạnh mẽ trong lòng bạn đọc. Tuy nhiên, nếu anh có sức bứt phá hơn, tránh đi những dễ dãi của ngôn từ, chắc chắn anh sẽ có bước đi xa hơn trên con đường lao động nghệ thuật.
Lê Đức Trung