Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất", hàng năm, ngay từ những ngày đầu năm UBND tỉnh đã phát động các phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương và các Khối thi đua đã triển khai ký kết giao ước thi đua, xây dựng kế hoạch thực hiện bám sát nhiệm vụ chính trị, qua đó đưa phong trào thi đua và công tác khen thưởng của các cơ quan, đơn vị nói riêng và của tỉnh nói chung phát triển sâu rộng. Đặc biệt, các phong trào thi đua đã gắn với việc thực hiện "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", tạo chuyển biến tích cực trong công tác thi đua, khen thưởng.
Trong những năm trở lại đây, phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" có sức lan tỏa mạnh mẽ, được cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc. Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã chú trọng lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo các chương trình đầu tư thực hiện đúng kế hoạch đề ra; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giảm nợ xây dựng cơ bản. Sau 7 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010-2017), tỉnh ta đã huy động 32.528 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó vốn ngân sách là 7.694 tỷ đồng, chiếm 23,5%; vốn tín dụng tham gia 15.422 tỷ đồng, chiếm 47,41%; vốn khu vực doanh nghiệp là 1.380 tỷ đồng, chiếm 4,24%; vốn huy động từ cộng đồng dân cư 8.077 tỷ đồng, chiếm 24,83% (trong đó đóng góp bằng tiền là 877,2 tỷ đồng). Đến năm 2017, toàn tỉnh đã có 80/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Hoa Lư đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bình quân số tiêu chí các xã đạt được là 17 tiêu chí/xã (tăng 12 tiêu chí/xã so với năm 2010), không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Hiện nay, các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu đến hết năm 2018, có thêm ít nhất 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới và xây dựng huyện Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2020 có 105 xã/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả trên đã góp phần đưa Ninh Bình trở thành 1 trong 10 địa phương dẫn đầu của cả nước về xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Ninh Bình cũng là một trong những địa phương được đánh giá là đã triển khai có hiệu quả phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Trung ương phát động. Với tinh thần sẻ chia khó khăn với người nghèo, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức phát động phong trào thi đua sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đã có nhiều hoạt động hướng về người nghèo, xã nghèo như: Vận động xây dựng Quỹ "Vì người nghèo và an sinh xã hội" tỉnh; hỗ trợ giống cây, con; cho vay ưu đãi; thực hiện hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo; làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong đó đã quan tâm đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 4,71%.
Những năm qua, phong trào thi đua trên lĩnh vực công nghiệp, tài chính, thương mại và dịch vụ đã được phát động mạnh mẽ, trở thành động lực quan trọng đưa Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững. Năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018, công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng khá. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018, chỉ số phát triển công nghiệp IIP của tỉnh đã tăng 28,57% so với tháng 5/2017; giá trị sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm đạt trên 20.784 tỷ đồng, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đầu tư phát triển 5 tháng đạt gần 7.987,4 tỷ đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt gần 4.522,5 tỷ đồng, đạt 56,8% dự toán năm và tăng 71,0% so với cùng kỳ năm 2017; kim ngạch xuất khẩu đạt 536,6 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Du lịch phát triển với số khách du lịch 5 tháng đầu năm đạt 4.884,5 nghìn lượt khách, tăng 5,8% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 1.736,9 tỷ đồng, tăng 18,3%... Đây là những tín hiệu vui, tạo tiền đề quan trọng hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ của tỉnh trong năm 2018.
Cùng với đẩy mạnh phong trào thi đua trong phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh Ninh Bình đã tập trung cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương nâng cao vai trò trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; tập trung xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả, lấy phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao nhất; nâng cao chất lượng tham mưu của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực thi công vụ nhằm giảm chi phí về thời gian và quy trình trong thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và tổ chức, doanh nghiệp; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân; tích cực đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, phiền hà trong thực thi công vụ để tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng được tiến hành công khai, đúng nguyên tắc; góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Việc tổ chức phát động phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị, đồng thời xuất phát từ mong muốn, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, của người lao động nên các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh trong thời gian qua đã có sức lan tỏa, trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cho đến mỗi người dân.
Mai Lan