Nhận thức sâu sắc cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào" do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, ngay sau khi nhận được Công văn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban Tổ chức cuộc thi, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Trong quá trình tổ chức, triển khai cuộc thi, các cấp ủy đảng, các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả. Ban Tuyên giáo các cấp đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, Ban tổ chức cuộc thi các cấp về công tác tổ chức cuộc thi. Các cơ quan báo chí, thông tin, tuyên truyền đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Cuộc thi đã được triển khai sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ đặt ra và nhận được sự hưởng ứng tích cực, trách nhiệm của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Tính đến trung tuần tháng 10/2017, toàn tỉnh đã có hơn 40.000 lượt người truy cập các website của Ban tổ chức cuộc thi Trung ương để thi trắc nghiệm. Đối tượng tham gia dự thi trắc nghiệm khá đa dạng, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, sinh viên, học sinh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, đồng bào có đạo, người dân tộc thiểu số, trong đó nhiều người tham gia đã đạt giải. Đảng bộ huyện Kim Sơn, Đảng bộ huyện Yên Khánh và ngành Giáo dục - Đào tạo có phong trào thi trắc nghiệm sôi nổi nhất. Tổng kết đợt 1 và đợt 2 cuộc thi trắc nghiệm, Ban tổ chức cuộc thi Trung ương đã trao trên 50 giải, trong đó tỉnh Ninh Bình có 10 người đoạt giải (2 giải nhất, 4 giải nhì, 4 giải ba). Với kết quả đó, Ninh Bình được Trung ương ghi nhận và đánh giá là một trong những tỉnh có số lượng người tham gia dự thi đông, có kết quả tốt.
Về kết quả thi viết, tổng kết cuộc thi, toàn tỉnh đã có 158.738 người dự thi (tăng 32.017 người so với năm 2012). Trong các đơn vị có bài dự thi lần này, huyện Yên Khánh là đơn vị có số lượng người tham gia dự thi cao nhất với 41.442 người dự thi. Người dự thi cao tuổi nhất là cụ Dương Đức Chiên, 83 tuổi ở phố Đông Hồ, phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình; người ít tuổi nhất là em Đào Thị Quyên, 9 tuổi, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Ninh Xuân, huyện Hoa Lư. Qua kết quả chấm thi của Ban giám khảo cuộc thi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh cho thấy bài dự thi lần này nhìn chung chất lượng rất cao. Thể hiện rất rõ tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết từ đáy lòng của người dự thi, sự công phu, nghiêm túc trong nghiên cứu tài liệu, lựa chọn những vấn đề phù hợp với bản thân người dự thi. Nhiều bài dự thi thể hiện tính chân thực, tính sáng tạo cao, phong phú trong cách thức thể hiện, coi trọng nội dung trình bày, sức thuyết phục lớn. Nhiều bài thi đã đi sâu phản ánh những kỷ niệm sâu sắc mà họ được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của hai dân tộc Việt Nam - Lào… Bên cạnh đó, hình thức trình bày bài dự thi có nhiều đổi mới, sáng tạo. Nhiều tác giả đã kỳ công nghiên cứu, sưu tầm, chọn lọc nhiều ảnh tư liệu, ảnh thời sự, bản đồ, biểu đồ để minh họa sinh động, khoa học cho phần nội dung, trong đó có những tư liệu, hình ảnh được khai thác từ chính các nhân chứng lịch sử ở địa phương đã tham gia chiến đấu, công tác tại Lào, góp phần tăng tính hấp dẫn, tính chân thực của bài dự thi. Nhiều tác giả đã đầu tư cho bài thi hết sức công phu như sử dụng vật liệu cao cấp để in ấn, sử dụng công nghệ thông tin để nâng cao tính nghệ thuật trong trình bày, sử dụng gỗ kết hợp với in phun làm mô hình và nền cho bài dự thi đã để lại nhiều dấu ấn riêng…Kết quả, Ban Tổ chức cuộc thi các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã tổ chức chấm, chọn, trao 174 giải thưởng. Ban Giám khảo cuộc thi cấp tỉnh đã chấm 100 bài dự thi tiêu biểu nhất của 10 đảng bộ trực thuộc tỉnh và quyết định khen thưởng, trao giải cho 10 tập thể và 20 cá nhân; lựa chọn 30 bài thi có điểm cao gửi dự thi cấp Trung ương. Kết quả tỉnh Ninh Bình đã vinh dự đạt giải nhất tập thể và 3 giải cá nhân với 1 giải ba và 2 giải khuyến khích.
Đánh giá về cuộc thi, đại diện Ban tổ chức cuộc thi khẳng định: Cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào" đã thành công rất tốt đẹp, đạt được mục đích yêu cầu đề ra, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa sâu sắc, nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Ninh Bình được Ban Tổ chức cuộc thi cấp Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh có số lượng người tham gia đông, đạt kết quả tốt. Điều đó thể hiện ý thức chính trị, trách nhiệm lớn, tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.
Thông qua cuộc thi góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong tỉnh về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hôm nay; đồng thời đấu tranh, phản bác những âm mưu, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch gây chia rẽ tình đoàn kết, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào và trách nhiệm trong việc kế thừa và vun đắp, phát huy tình hữu nghị thủy chung, trong sáng giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung, tỉnh Ninh Bình và Udomxay nói riêng lên một tầm cao mới, phù hợp với xu thế của thời đại.
Phan Hiếu